Giới thiệu về các biện pháp phòng vệ thương mại

Luật sư quận Tân Bình tư vấn hổ trợ doanh nghiệp trong quá trình phát triển của quý công ty

Tự do hóa thương mại để hội nhập kinh tế quốc tế và thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng sản xuất nội địa là hướng đi tất yếu của hầu hết các quốc gia trong đó có Việt Nam. Từ ngày 11-1-2007, thông qua việc gia nhập WTO – thể chế kinh tế với số lượng thành viên tham gia lớn nhất trên thế giới1, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào tiến trình tự do hóa thương mại.

Một trong những lợi ích cơ bản của việc gia nhập WTO là hàng hóa xuất khẩu giữa các nước thành viên được hưởng ưu đãi về thuế quan và được loại bỏ dần các rào cản có tính chất hành chính như hạn ngạch, giấy phép, hạn chế xuất khẩu tự nguyện hoặc các quy định bắt buộc về tỷ lệ nội địa hóa. Tuy nhiên, tự do hóa thương mại cũng làm tăng nguy cơ tiềm ẩn từ hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc từ những diễn biến khó lường trên thị trường có thể gây ra tổn hại cho ngành sản xuất nội địa. Để đối phó với các nguy cơ này, WTO cho phép các nước thành viên được sử dụng một số biện pháp để bảo vệ ngành sản xuất nội địa nhằm tránh hoặc giảm thiểu rủi ro bị thiệt hại do cạnh tranh không lành mạnh hoặc diễn biến đặc biệt của hàng hóa nhập khẩu nước ngoài, trong đó quan trọng và phổ biến nhất là các biện pháp phòng vệ thương mại, bao gồm: Biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp khẩn cấp tạm thời để hạn chế nhập khẩu (biện pháp tự vệ).

Khi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, các nước thành viên cần bảo đảm rằng việc ban hành và thực thi pháp luật, quy định về phòng vệ thương mại của mình phải phù hợp với khung pháp lý chung của WTO, cụ thể là Hiệp định chung về thuế quan và thương mại năm 1994 (Hiệp định GATT 1994), Hiệp định về chống bán phá giá thực thi Điều VI của Hiệp định GATT 1994 (AD), Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng (SCM), Hiệp định về biện pháp tự vệ (SG). Khung pháp lý về các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam hiện nay bao gồm: Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH ngày 29 tháng 4 năm 2004 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH), Pháp lệnh số 22/2004/PL-UBTVQH ngày 20 tháng 8 năm 2004 Ủy ban thường vụ Quốc hội về chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh số 22/2004/ PL-UBTVQH), Pháp lệnh số 42/2002/PL-UBTVQH ngày 25 tháng 5 năm 2002 Ủy ban thường vụ Quốc hội về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh số 42/2002/ PL-UBTVQH). Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành các nghị định hướng dẫn các pháp lệnh trên vào năm 2003 và năm 20052. Ngày 12-6- 2017 vừa qua, Quốc hội đã ban hành Luật quản lý ngoại thương (có hiệu lực từ ngày 01-01-2018) để thay thế cho các quy định nói trên.

Chương này tập trung vào các quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam và của WTO về các biện pháp phòng vệ thương mại và không đề cập đến các quy định pháp luật nước ngoài áp dụng cho việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam tại thị trường nước ngoài.

1. WTO được chính thức thành lập vào ngày 1-1-1995. Tính đến tháng 12-2016, WTO có 164 nước thành viên.
2. Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH, Pháp lệnh số 22/2004/PL-UBTVQH, và Pháp lệnh số 42/2002/PL-UBTVQH lần lượt được hướng dẫn thi hành bởi Nghị định số 90/2005/NĐ-CP, Nghị định số 89/2005/NĐ-CP, và Nghị định số 150/2003/NĐ-CP