Các công việc mà nguyên đơn, bị đơn, nhà nhập khẩu phải thực hiện trong vụ điều tra chống phá giá

Các công việc mà nguyên đơn, bị đơn, nhà nhập khẩu phải thực hiện trong vụ điều tra chống phá giá

Luật sư quận Tân Bình tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình phát triển của quý công ty

– Nguyên đơn:

Trong điều tra chống bán phá giá, nguyên đơn là tổ chức, cá nhân đại diện hợp pháp cho ngành sản xuất trong nước có thể nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá lên cơ quan điều tra1. Vì vậy, các công việc mà nguyên đơn cần thực hiện không chỉ giới hạn trong quá trình điều tra mà còn bao gồm cả giai đoạn tiền khởi xướng điều tra. Cụ thể:

+ Giai đoạn tiền khởi xướng:

Tập hợp lực lượng để bảo đảm tư cách khởi kiện của nguyên đơn, bao gồm tỷ lệ 25% và 50% như đã trình bày tại Mục II.1.a đã nêu ở trên. Chuẩn bị và soạn thảo hồ sơ yêu cầu để đệ trình lên cơ quan điều tra.

Hồ sơ này phải có thông tin và số liệu làm bằng chứng ban đầu cho cáo buộc của nguyên đơn về việc: Hàng hóa nhập khẩu bị bán phá giá, ngành sản xuất trong nước bao gồm nguyên đơn và các nhà sản xuất trong nước khác đang phải gánh chịu thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây thiệt hại đáng kể và mối quan hệ nhân quả giữa hai yếu tố này.

+ Giai đoạn điều tra:

Trả lời các bản câu hỏi của cơ quan điều tra dành cho nhà sản xuất trong nước và cung cấp số liệu, tài liệu làm bằng chứng. Nội dung các bản câu hỏi này phần lớn tập trung vào việc xác định thiệt hại, mối quan hệ nhân quả của hàng hóa bị bán phá giá và thiệt hại.

Chủ động thu thập thông tin, số liệu và chuẩn bị các lập luận về các vấn đề của vụ việc như xác định hành vi bán phá giá, phương pháp tính toán biên độ phá giá, xác định thiệt hại, mối quan hệ nhân quả, v.v..

Hợp tác và tạo điều kiện để cơ quan điều tra thẩm tra, xác minh tính chính xác của những thông tin đã đệ trình cho cơ quan điều tra.

Tham gia tham vấn công khai để bảo vệ quan điểm của mình trước cơ quan điều tra và các bên liên quan khác.

– Bị đơn:

Bị đơn trong điều tra chống bán phá giá là các nhà sản xuất và xuất khẩu của những nước bị điều tra. Bị đơn cần thực hiện hai nhiệm vụ chính là: Chuẩn bị và nộp bản trả lời cho cơ quan điều tra, hoàn tất việc thẩm tra tại chỗ nếu cơ quan điều tra có yêu cầu và phân tích số liệu trong hồ sơ (bao gồm số liệu do nguyên đơn nộp trong bản câu hỏi, thông tin khác do các bên thu thập và nộp cho cơ quan điều tra để chứng minh rằng không có đủ cơ sở để áp thuế chống bán phá giá, ví dụ như nguyên đơn không bị thiệt hại, hoặc biên độ bán phá giá không đáng kể), cụ thể là:

+ Bị đơn phải chuẩn bị các bản trả lời câu hỏi và số liệu theo yêu cầu và thời hạn do cơ quan điều tra quy định, đồng thời hợp tác với cơ quan điều tra trong suốt quá trình điều tra, thẩm tra tại chỗ;

+ Trong các bản ý kiến bình luận và tại phiên điều trần, bị đơn cần chỉ ra các căn cứ (nếu có), để chứng minh rằng ít nhất một trong ba điều kiện áp thuế chống bán phá giá không được thỏa mãn.

Lưu ý, trong trường hợp các bên liên quan không cung cấp hoặc cung cấp những thông tin, số liệu sai lệch hoặc không thể xác minh được, cơ quan điều tra sẽ có quyền sử dụng các thông tin, tài liệu sẵn có trong quá trình điều tra để giải quyết vụ việc2.

Trong trường hợp bị đơn không hợp tác (không trả lời bản câu hỏi, gửi bản trả lời câu hỏi không đúng thời hạn quy định, không đồng ý để cơ quan điều tra tiến hành thẩm tra xác minh hoặc cản trở quá trình điều tra), cơ quan điều tra sẽ có quyền đưa ra quyết định dựa trên các thông tin, tài liệu có sẵn3. Tuy nhiên, những thông tin sẵn có này thường bất lợi và làm gia tăng đáng kể biên độ bán phá giá.

– Các nhà nhập khẩu:

Nhà nhập khẩu là bên trực tiếp nộp thuế chống bán phá giá trong trường hợp hàng nhập khẩu bị áp thuế chống bán phá giá, sớm nhất có thể từ thời điểm cơ quan điều tra ra quyết định áp thuế tạm thời (sau khi có quyết định sơ bộ). Cũng giống như nguyên đơn và bị đơn, nhà nhập khẩu phải trả lời các bản câu hỏi do cơ quan điều tra ban hành, hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình thẩm tra và xác minh thông tin, chủ động cung cấp thông tin và số liệu cho cơ quan điều tra và tham gia điều trần để bảo vệ quan điểm của mình

1. Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 90/2005/NĐ-CP.
2. Khoản 2 Điều 13 Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH.
3. Khoản 5 Điều 22 Nghị định số 90/2005/NĐ-CP.