Các cam đoan và bảo đảm về các sự kiện thực tế trong khoản vay

CÁC CAM ĐOAN VÀ BẢO ĐẢM VỀ CÁC SỰ KIỆN THỰC TẾ

Luật sư quận Tân Bình tư vấn và đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình phát triển

Bên cho vay thường buộc bên vay đưa ra các cam đoan và bảo đảm để: Khẳng định lại các thông tin quan trọng liên quan trực tiếp đến khoản tín dụng mà bên cho vay không thể tự mình thẩm định hoặc không muốn chịu trách nhiệm thẩm định, ngừng cấp vốn hoặc tuyên bố một sự kiện vi phạm đã phát sinh nếu các cam đoan và bảo đảm không đúng sự thật tại thời điểm được đưa ra. Do đó, Luật sư của bên cho vay thường soạn thảo điều khoản cam đoan và bảo đảm một cách mở rộng, nhằm bao trùm được hết các rủi ro.

Tùy thuộc vào tính chất của dự án và bên vay, các cam đoan và bảo đảm có thể rất khác nhau và thường được chia thành hai loại: Các vấn đề pháp lý và các vấn đề thương mại.

Các cam đoan và bảo đảm về các vấn đề pháp lý thường bao gồm:

  • Bên vay được thành lập hợp pháp, có thẩm quyền vay và đưa ra tài sản bảo đảm;
  • Bên vay đã hoàn tất các thủ tục nội bộ để ký các văn kiện tín dụng;
  • Đã có các chấp thuận cần thiết từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Việc ký kết hợp đồng tín dụng là hợp pháp và không mâu thuẫn với pháp luật, với các văn bản thành lập và với các thỏa thuận, hợp đồng nào khác của bên vay;
  • Các văn kiện tín dụng có hiệu lực và có khả năng cưỡng chế thi hành.

Các cam đoan và bảo đảm về các vấn đề thương mại thường bao gồm:

  • Các thông tin và số liệu tài chính bên vay cung cấp là chính xác;
  • Không có thay đổi bất lợi về tình hình tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của bên vay;
  • Không có các thủ tụng tố tụng (Tòa án hoặc Trọng tài) liên quan đến bên vay;
  • Không có các thủ tục phá sản liên quan đến bên vay.

Các bên phải thỏa thuận khi nào các cam đoan và bảo đảm phải chính xác. Các bên cho vay sẽ muốn các cam đoan và bảo đảm phải đúng tại mọi thời điểm trong suốt thời hạn của khoản vay. Trong khi đó, bên vay thường không muốn điều này do không thể kiểm soát việc tuân thủ các cam đoan và bảo đảm này trong một thời gian dài nên thường đàm phán các cam đoan và bảo đảm chính xác vào ngày ký hợp đồng và vào các ngày giải ngân để bên vay dễ kiểm soát và tuân thủ các cam đoan và bảo đảm của mình. Do vậy, thường có một điều khoản riêng về thời điểm đưa ra các cam đoan và bảo đảm. Ví dụ:

Điều khoản

Thời điểm đưa ra các cam đoan bảo đảm

Các cam đoan và bảo đảm được quy định tại Điều này (cam đoan và bảo đảm):

  • được đưa ra vào Ngày Ký Hợp Đồng; và
  • được xem là được Bên Vay tái khẳng định vào:
    • ngày đưa ra từng Đề Nghị Rút Khoản Vay; và
    • ngày đầu tiên của mỗi Kỳ Hạn Tính Lãi,

trong từng trường hợp có tham chiếu đến các sự việc và hoàn cảnh tồn tại tại thời đểm đó.