Luật sư quận Tân Bình tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình phát triển của quý công ty
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH, hàng hóa nhập khẩu được coi là bị bán phá giá vào thị trường Việt Nam nếu hàng hóa đó được bán với giá thấp hơn giá thông thường.
Dấu hiệu về bán phá giá thông thường được thể hiện qua việc giá bán hàng hóa tại thị trường nội địa (home market) cao hơn giá bán hàng hóa tại thị trường nước nhập khẩu. Ví dụ, hàng hóa X sản xuất tại nước A có giá bán 100USD/tấn tại thị trường của nước A và được xuất khẩu sang Việt Nam với giá 80USD/tấn (giá xuất khẩu sang Việt Nam). Trong trường hợp này, hàng hóa X có thể đã bị bán phá giá tại thị trường Việt Nam.
Để xác định một hàng hóa có bị coi là bán phá giá hay không, cơ quan điều tra của nước nhập khẩu cần tiến hành so sánh giá xuất khẩu và giá thông thường. Theo đó, cơ quan điều tra cần tiến hành xác định: Giá xuất khẩu, giá thông thường và tiến hành so sánh giá xuất khẩu và giá thông thường để tính toán biên độ phá giá của hàng hóa bị điều tra.
– Xác định giá xuất khẩu:
Theo khoản 4 Điều 26 Nghị định số 90/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 hướng dẫn Pháp lệnh chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam (sau đây gọi tắt là Nghị định số 90/2005/NĐ-CP), giá xuất khẩu của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam được tính bằng giá bán hàng hóa của nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu nước ngoài bán cho nhà nhập khẩu tại Việt Nam, xác định thông qua các chứng từ giao dịch hợp pháp.
Trong trường hợp đặc biệt, khi có căn cứ cho rằng phương pháp xác định giá xuất khẩu trên không đáng tin cậy, ví dụ như số liệu về giá bán do nhà xuất khẩu cung cấp không đáng tin cậy, cơ quan điều tra có thể sử dụng các phương pháp mà cơ quan điều tra cho là phù hợp để xác định giá xuất khẩu (constructed export price)1.
– Xác định giá thông thường:
Theo khoản 1 Điều 2 Hiệp định AD và khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH, giá thông thường của hàng hóa nhập khẩu bị điều tra là giá có thể so sánh được của chính hàng hóa đó hoặc hàng hóa tương tự bán tại thị trường nước xuất khẩu tại điều kiện thương mại thông thường.
Trong trường hợp không có hàng hóa tương tự bán trên thị trường nội địa của nước xuất khẩu hoặc nếu khối lượng hoặc trị giá của hàng hóa đó tại thị trường nội địa không đáng kể thì cơ quan điều tra có thể căn cứ vào các dữ kiện thực tế và xem xét yêu cầu của các bên liên quan, xác định giá thông thường của hàng nhập khẩu theo một trong hai cách sau:
+ Giá có thể so sánh được của hàng hóa tương tự của nước xuất khẩu đang được bán trên thị trường một nước thứ ba trong các điều kiện thương mại thông thường;
+ Giá thành hợp lý của hàng hóa cộng thêm các chi phí hợp lý khác và lợi nhuận ở mức hợp lý, xét theo từng công đoạn từ sản xuất đến lưu thông trên thị trường của nước xuất khẩu hoặc nước thứ ba.
Về yếu tố điều kiện thương mại thông thường, hiện nay các quy định của pháp luật Việt Nam không đưa ra định nghĩa về khái niệm này. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 2 Hiệp định AD và theo thông lệ quốc tế, bán hàng không trong điều kiện thương mại thông thường là việc bán hàng hóa với giá thấp hơn chi phí sản xuất trong một khoảng thời gian dài và với khối lượng lớn2.
– So sánh giá xuất khẩu và giá thông thường:
Theo khoản 4 Điều 2 Hiệp định AD, cơ quan điều tra phải tiến hành so sánh giá xuất khẩu và giá thông thường một cách công bằng (fair comparison). Việc so sánh phải được thực hiện tại cùng một cấp độ thương mại, thông thường là giá xuất xưởng (ex-factory) và hàng hóa được bán trong giai đoạn điều tra. Để có thể tiến hành so sánh một cách công bằng, cơ quan điều tra phải yêu cầu các bên liên quan (nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu, công ty thương mại liên quan (nếu có)) cung cấp các thông tin, số liệu bán hàng như chi phí bán hàng, vận chuyển, bảo hiểm, các mức chiết khấu, giảm giá, tỷ giá quy đổi, v.v.. Trong quá trình so sánh, cơ quan điều tra có thể thực hiện một số điều chỉnh như:
+ Điều chỉnh giá thông thường và giá xuất khẩu về cùng một khâu của quá trình lưu thông hàng hóa;
+ Điều chỉnh giá thông thường và giá xuất khẩu trên cơ sở những khác biệt về thuế, điều kiện bán hàng, dung lượng thương mại, khối lượng, đặc tính vật lý và các yếu tố khác mà cơ quan điều tra cho là phù hợp;
+ Giá thông thường và giá xuất khẩu phải được quy đổi thành tiền Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố vào ngày Bộ trưởng Bộ Công Thương ký quyết định điều tra. Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước không công bố tỷ giá vào ngày Bộ trưởng Bộ Công Thương ký quyết định điều tra, việc quy đổi thực hiện theo tỷ giá được công bố của ngày liền kề sau đó3.
– Tính toán biên độ bán phá giá:
Theo Điều 12 Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH và khoản 3 Điều 25 Nghị định số 90/2005/NĐ-CP, biên độ bán phá giá được xác định bằng khoảng chênh lệch có thể tính được giữa giá thông thường của hàng hóa so với giá xuất khẩu hàng hóa đó vào Việt Nam. Biên độ bán phá giá được tính với đơn vị phần trăm (%).
Do vậy, có thể hiểu, biên độ bán phá giá sẽ được tính theo công thức sau:
[(Giá trị thông thường – Giá xuất khẩu)/Giá xuất khẩu] * 100% = Biên độ phá giá.Nếu biên độ bán phá giá thấp hơn hoặc bằng 2% sẽ được coi là biên độ phá giá không đáng kể và hàng hóa bị điều tra sẽ không bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá4.
1. Khoản 5 Điều 26 Nghị định số 90/2005/NĐ-CP. 2. Khoản 1 Điều 2 Hiệp định AD. 3. Điều 27 Nghị định số 90/2005/NĐ-CP. 4. Điều 2 Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH. |