Quyền tác giả

Quyền tác giả

QUYỀN TÁC GIẢ

Luật Sư tư vấn : Luật sở hữu trí tuệ. Luật Sư quận Tân Bình -Văn phòng Luật Sư Trần Toàn Thắng

1.    Mục đích và ý nghĩa của việc xây dựng pháp luật về quyền tác giả

Quyền tác giả và quyền liên quan là một phần của quyền sở hữu trí tuệ, bên cạnh quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Đối tượng quyền tác giả bao gồm: Tác phẩm văn học – nghệ thuật, khoa học. Đối tượng quyền liên quan bao gồm: Cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Các quyền này có tính chất khá đặc biệt vì vừa là một quyền tài sản, vừa là một quyền phi tài sản. Ví dụ, tác giả một tác phẩm nghệ thuật có quyền chuyển nhượng tác phẩm của mình để hưởng một quyền lợi vật chất (quyền tài sản). Tuy nhiên, việc chuyển nhượng không bao gồm quyền nhân thân, tức là dù đã chuyển nhượng cho người khác, nhưng tác giả vẫn được quyền đứng tên trên tác phẩm, có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm gây ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của tác giả (quyền phi tài sản).

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do họ sáng tạo ra hoặc sở hữu. Đây là một quyền độc quyền được pháp luật trao cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả trong việc sao chép tác phẩm và phân phối hoặc phổ biến tác phẩm đến công chúng bằng bất kỳ phương thức hoặc phương tiện nào. Quyền tác giả là quyền liên quan được Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định trong phần thứ hai bao gồm 45 điều khoản, từ điều 13 đến điều 57. Việc xây dựng chế độ pháp lý về quyền tác giả có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển văn hóa- nghệ thuật, nghiên cứu khoa học, bởi lẽ :

  • Bảo hộ quyền lợi chính đáng của tác giả, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả là hoạt động nhằm khuyến khích sự sáng tạo của các tác giả;
  • Tạo hành lang pháp lý giúp cân bằng lợi ích của tác giả, người truyền bá và công chúng, thúc đẩy việc xây dựng và hoàn thiện trật tự xã hội trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật, tạo điều kiện cho việc phổ biến tác phẩm hay, làm cho tinh thần phục vụ xã hội của các tác phẩm ngày càng tốt hơn;
  • Khuyến khích, động viên công chúng tích cực tham gia hoạt động sáng tạo, hoạt động văn hóa, góp phần nâng cao trình độ dân trí;
  • Về phương diện quốc tế, việc tham gia các công ước quốc tế về quyền tác giả sẽ góp phần thúc đẩy giao lưu và hợp tác văn hóa giữa các quốc gia
  • Quyền tác giả (loại hình tác phẩm được bảo hộ) là tác phẩm do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác. Thứ được pháp luật bảo hộ trong tác phẩm chính là sự sáng tạo. Luật pháp không quan tâm đến giá trị của tác phẩm, do đó dù tác phẩm ngắn hay dài, hay hay dở thì đều được bảo hộ quyền tác giả như nhau.
  • Theo Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, các loại hình tác phẩm được bảo hộ bao gồm:
  • Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác (tác phẩm thể hiện dưới dạng ký tự khác là tác phẩm được thể hiện bằng các ký hiệu thay cho chữ viết như chữ nổi cho người khiếm thị, ký hiệu tốc ký và các ký hiệu tương tự khác mà các đối tượng tiếp cận có thể sao chép được bằng nhiều hình thức khác nhau);
  • Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác là loại hình tác phẩm thể hiện bằng ngôn ngữ nói và phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định. Trong trường hợp tác giả tự thực hiện việc định hình bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác dưới hình thức bản ghi âm, ghi hình, thì tác giả được hưởng quyền tác giả đối với bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác, đồng thời là chủ sở hữu và có quyền đối với bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005;
  • Tác phẩm báo chí bao gồm các thể loại: Phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác;
  • Tác phẩm âm nhạc là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn;
  • Tác phẩm sân khấu là tác phẩm thuộc các loại hình nghệ thuật biểu diễn, bao gồm kịch (kịch nói, nhạc vũ kịch, ca kịch, kịch câm), xiếc, múa, múa rối và các loại hình tác phẩm sân khấu khác;
  • Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự là những tác phẩm được hợp thành bằng hàng loạt hình ảnh liên tiếp tạo nên hiệu ứng chuyển động kèm theo hoặc không kèm theo âm thanh, được thể hiện trên một chất liệu nhất định và có thể phân phối, truyền đạt tới công chúng bằng các thiết bị kỹ thuật, công nghệ, bao gồm loại hình phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình và các loại hình tương tự khác;
  • Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục như: Hội họa, đồ họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt và các hình thức thể hiện tương tự, tồn tại dưới dạng độc bản. Riêng đối với loại hình đồ họa, có thể được thể hiện tới phiên bản thứ năm mươi được đánh số thứ tự có chữ ký của tác giả. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất hàng loạt bằng tay hoặc bằng máy như: Biểu trưng, hàng thủ công mỹ nghệ, hình thức thể hiện trên sản phẩm, bao bì sản phẩm;
  • Tác phẩm nhiếp ảnh là tác phẩm thể hiện hình ảnh của thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra hay có thể được tạo ra bằng bất cứ phương pháp kỹ thuật nào (hóa học, điện tử hoặc phương pháp khác). Hình ảnh tĩnh được lấy ra từ một tác phẩm điện ảnh hay tương tự như điện ảnh không được coi là tác phẩm nhiếp ảnh mà là một phần của tác phẩm điện ảnh đó;
  • Tác phẩm kiến trúc là các bản vẽ thiết kế dưới bất kỳ hình thức nào thể hiện ý tưởng sáng tạo về ngôi nhà, công trình xây dựng, quy hoạch không gian (quy hoạch xây dựng) đã hoặc chưa xây dựng. Tác phẩm kiến trúc bao gồm: Các bản vẽ thiết kế về mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt, phối cảnh, thể hiện ý tưởng sáng tạo về ngôi nhà, công trình, tổ hợp công trình kiến trúc, tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan của một vùng, một đô thị, hệ thống đô thị, khu chức năng đô thị, khu dân cư nông thôn. Mô hình, sa bàn về ngôi nhà, công trình xây dựng hoặc quy hoạch không gian được coi là tác phẩm kiến trúc độc lập;
  • Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;
  • Tác phẩm văn học – nghệ thuật dân gian là sáng tạo tập thể trên nền tảng truyền thống của một nhóm hoặc các cá nhân nhằm phản ánh khát vọng của cộng đồng, thể hiện tương xứng đặc điểm văn hóa – xã hội của họ, các tiêu chuẩn và giá trị được lưu truyền bằng cách mô phỏng hoặc bằng cách khác. Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian bao gồm: Truyện, thơ, câu đố, điệu hát, làn điệu âm nhạc, điệu múa, vở diễn, nghi lễ và các trò chơi, sản phẩm nghệ thuật đồ họa, hội họa, điêu khắc, nhạc cụ, hình mẫu, kiến trúc và các loại hình nghệ thuật khác được thể hiện dưới bất kỳ hình thức vật chất nào;
  • Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể. Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy. Sưu tập dữ liệu là tập hợp có tính sáng tạo thể hiện ở sự tuyển chọn, sắp xếp các tư liệu dưới dạng điện tử hoặc dạng khác. Việc bảo hộ quyền tác giả đối với sưu tập dữ liệu không bao hàm chính các tư liệu trong bộ sưu tập, không gây phương hại đến quyền tác giả của chính tư liệu.
  • Quyền tài sản của tác giả chỉ phát sinh khi có sự công bố tác phẩm. Đây là khoản tiền nhuận bút, tiền thù lao hay quyền lợi vật chất khác mà người sử dụng tác phẩm phải trả cho tác giả. Việc sử dụng tác phẩm có nhiều hình thức khác nhau, tạo thành các quyền tài sản được quy định tại Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ năm 20051. Quyền tài sản do tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện.
  • Liên hệ với Luật Sư Quận Tân Bình để được tư vấn và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp