Nguồn luật điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế Luật quốc tế

Luật sư quận Tân Bình tư vấn hổ trợ doanh nghiệp trong quá trình phát triển của quý công ty

– Điều ước quốc tế:

Có nhiều điều ước quốc tế thống nhất các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ mua bán hàng hóa quốc tế, như Luật thống nhất về mua bán quốc tế các động sản hữu hình (ULIS), Công ước Rome năm 1980 về luật áp dụng đối với các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng, nhưng tiêu biểu và được coi là thành công nhất trong số đó là Công ước Viên năm 1980 của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG).

CISG là kết quả của những nỗ lực pháp lý khởi nguồn từ những năm đầu thế kỷ XX. Công ước này cung cấp một sự cân bằng giữa lợi ích của người bán và người mua và được coi là một trong những công ước quan trọng về mua bán hàng hóa quốc tế. CISG chỉ được áp dụng cho mua bán hàng hóa quốc tế và tránh dẫn chiếu đến những quy định của tư pháp quốc tế đối với những hợp đồng trong phạm vi áp dụng của công ước này. CISG điều chỉnh những hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế giữa các doanh nghiệp tư và không điều chỉnh hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, hợp đồng mua bán (cung ứng) dịch vụ cũng như mua bán một số hàng hóa đặc biệt. CISG áp dụng cho những hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên có trụ sở ở các nước thành viên khác nhau của công ước hay giữa các bên lựa chọn luật điều chỉnh là CISG. Một số vấn đề liên quan đến mua bán hàng hóa quốc tế, ví dụ như hiệu lực của hợp đồng và sự ảnh hưởng của hợp đồng đến quyền sở hữu hàng hóa, không thuộc phạm vi điều chỉnh của CISG1.

Theo Điều 1, CISG áp dụng đối với các hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên có trụ sở kinh doanh tại các quốc gia khác nhau, khi các quốc gia này là các quốc gia thành viên của công ước hoặc khi các quy tắc của tư pháp quốc tế dẫn chiếu đến việc áp dụng luật của một quốc gia thành viên của công ước này.

Việt Nam là một thành viên của CISG. Công ước này có hiệu lực và trở thành nội luật của Việt Nam từ ngày 01-01-2017. Như vậy, các hợp đồng giữa một bên có trụ sở kinh doanh tại Việt Nam và một bên có trụ sở kinh doanh tại một quốc gia cũng là thành viên của CISG sẽ được điều chỉnh bởi CISG, trừ khi các bên loại trừ việc áp dụng CISG cho hợp đồng.

– Tập quán thương mại quốc tế:

Tập quán thương mại quốc tế là những thói quen được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong hoạt động kinh tế đối ngoại, kinh doanh quốc tế ở một khu vực nhất định hay trên toàn thế giới. Những tập quán quốc tế được áp dụng phổ biến trong mua bán hàng hóa quốc tế bao gồm:

+ Các điều kiện cơ sở giao hàng trong mua bán hàng hóa quốc tế (Incoterms): Được Phòng Thương mại quốc tế (ICC) tập hợp và ban hành từ năm 1936, đề cập đến các vấn đề như nghĩa vụ của người mua và người bán, thời điểm chuyển giao rủi ro giữa hai bên;

+ Tập quán và thông lệ thống nhất về tín dụng chứng từ (UCP): Là một bộ quy tắc về việc phát hành và sử dụng tín dụng chứng từ (letters of credit) do ICC ban hành, được sử dụng rộng rãi trên thế giới, tại hơn 175 quốc gia, bởi các tổ chức tín dụng như ngân hàng;

+ Bộ nguyên tắc về hợp đồng thương mại quốc tế (PICC): Là một bộ quy tắc về hợp đồng thương mại nói chung, điều chỉnh các vấn đề như hiệu lực của hợp đồng, thực hiện hợp đồng, thực hiện bù trừ nghĩa vụ (set-off), chuyển giao nghĩa vụ và chuyển giao hợp đồng.

Các tập quán thương mại quốc tế chỉ có tính chất hướng dẫn chứ không có tính chất bắt buộc, tuy vậy, khi một tập quán được các bên thỏa thuận ghi nhận hoặc dẫn chiếu vào hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thì sẽ có hiệu lực đối với các chủ thể. Tập quán thương mại được áp dụng khi :

+ Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế quy định tập quán thương mại là luật áp dụng cho hợp đồng;

+ Các điều ước quốc tế liên quan quy định;

+ Luật thực chất (luật quốc gia) do các bên lựa chọn không quy định hoặc quy định không đầy đủ.

1. <www.uncitral.org>, United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods (Vienna, 1980) (CISG), <http://www.uncitral.org/uncitral/ en/uncitral_texts/sale_goods/1980CISG.html>, truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2016