Sở hữu công nghiệp là gì ? Chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp như thế nào ?

Luật sư quận Tân Bình tư vấn hổ trợ doanh nghiệp trong quá trình phát triển của quý công ty

Chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp được hiểu là việc chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chuyển giao toàn bộ hoặc một phần quyền đối với tài sản trí tuệ của mình cho cá nhân, tổ chức khác.

  1. Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp:

Giống như chuyển nhượng tài sản hữu hình, chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu (bên chuyển nhượng) chuyển toàn bộ quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác (bên nhận chuyển nhượng).

Đặc điểm của hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp:

– Là giao dịch một lần, mang tính chất “mua đứt, bán đoạn”;

– Tất cả quyền đối với đối tượng sở hữu công nghiệp chuyển từ bên chuyển nhượng sang bên nhận chuyển nhượng, bao gồm quyền sử dụng, quyền ngăn cấm người khác sử dụng và quyền chuyển giao đối tượng sở hữu công nghiệp;

– Tất cả nghĩa vụ đối với đối tượng sở hữu công nghiệp chuyển từ bên chuyển nhượng sang bên nhận chuyển nhượng, bao gồm nghĩa vụ sử dụng (nhãn hiệu, sáng chế), nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí), nộp phí duy trì hiệu lực, gia hạn văn bằng.

Liên quan tới đối tượng chuyển nhượng, chỉ dẫn địa lý không thể được chuyển nhượng. Nhãn hiệu và tên thương mại chỉ có thể chuyển nhượng nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 139 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005. Giao dịch chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp phải được lập thành văn bản với các nội dung theo quy định và phải đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ. Trên thực tế, giao dịch chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp có thể là một giao dịch mua bán tài sản vô hình độc lập hoặc là một phần của giao dịch hợp nhất, sáp nhập công ty. Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp cũng là thủ tục phải thực hiện khi góp vốn bằng loại tài sản này và là cách thường được sử dụng khi chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp không có khả năng hoặc không có nhu cầu hoặc không muốn khai thác lâu dài đối tượng sở hữu công nghiệp.

 Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp cũng được sử dụng để duy trì hiệu lực của quyền sở hữu công nghiệp, khi chủ sở hữu là tổ chức sẽ chấm dứt sự tồn tại, chẳng hạn như phá sản hoặc giải thể.

      b) Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp:

Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, còn gọi là li-xăng, là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp (bên cấp li-xăng) cho phép người khác (bên nhận li-xăng) sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp của mình.

Đặc điểm của li-xăng đối tượng sở hữu công nghiệp:

– Là quan hệ thương mại lâu dài giữa bên cấp li-xăng và bên nhận li-xăng;

– Chỉ một phần quyền được chuyển giao, trong đó tối thiểu là quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp. Quyền và nghĩa vụ khác, bao gồm quyền li-xăng thứ cấp, được chuyển giao theo thỏa thuận các bên.

Liên quan tới đối tượng li-xăng, chỉ dẫn địa lý và tên thương mại không được phép li-xăng. Nhãn hiệu tập thể chỉ được li-xăng cho thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể. Bên nhận li-xăng nhãn hiệu và sáng chế phải thực hiện nghĩa vụ ghi nhãn và sử dụng theo Điều 142 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005. Giao dịch li-xăng quyền sở hữu công nghiệp phải được lập thành văn bản với các nội dung theo quy định tại Điều 144 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005. Hợp đồng li-xăng không bắt buộc phải được đăng ký, nhưng chỉ có hiệu lực với bên thứ ba nếu đã được đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ1. Theo Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, hợp đồng li-xăng có hai loại: Độc quyền và không độc quyền.

Hợp đồng li-xăng độc quyền là hợp đồng theo đó trong thời hạn li-xăng, bên cấp li-xăng không được cấp li-xăng cho một bên nào khác và chỉ được sử dụng đối tượng được li-xăng nếu được phép của bên nhận li-xăng;

Hợp đồng li-xăng không độc quyền là hợp đồng li-xăng theo đó bên cấp li-xăng có quyền cấp li-xăng cho các bên thứ ba và vẫn có quyền sử dụng đối tượng được li-xăng.

Trên thực tế, giao dịch li-xăng đối tượng sở hữu công nghiệp có thể là một giao dịch độc lập hoặc là một phần của giao dịch lớn hơn như hợp đồng đại lý, hợp đồng nhượng quyền thương mại, hợp đồng chuyển giao công nghệ, v.v..

Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ thường được sử dụng khi đối tượng sở hữu trí tuệ có giá trị thương mại cao trên thị trường, chủ sở hữu có nhu cầu sản xuất hoặc khai thác lâu dài. Một số hợp đồng đặc thù có điều khoản li-xăng đối tượng sở hữu công nghiệp như hợp đồng đại lý, hợp đồng nhượng quyền thương mại cũng là phương thức mở rộng thị trường của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp.

     c) Bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng với sáng chế:

Bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng với sáng chế, còn gọi là li- xăng cưỡng bức hay li-xăng bắt buộc, là biện pháp hành chính theo đó chủ sở hữu sáng chế phải chuyển quyền sử dụng cho cá nhân, tổ chức khác không phải theo mong muốn của mình mà theo quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Một mặt, li-xăng cưỡng bức là biện pháp gây thiệt hại lợi ích của chủ sở hữu sáng chế, do chủ sở hữu sáng chế bị mất đi một phần quyền định đoạt. Mặt khác, đây là biện pháp chống độc quyền hợp pháp theo Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong Công ước Pari và Hiệp định TRIPS của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Căn cứ áp dụng được quy định tại Điều 145 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, chủ yếu dựa trên lợi ích công cộng, phục vụ mục đích phòng, chữa bệnh.

Do có thể gây thiệt hại lớn cho lợi ích của chủ sở hữu sáng chế, việc áp dụng li-xăng cưỡng bức phải tuân thủ các điều kiện chặt chẽ theo Điều 146 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, ví dụ như quyền sử dụng là quyền không độc quyền, chỉ áp dụng trong phạm vi và thời hạn vừa đủ, có bồi thường cho chủ sở hữu, v.v..

Từ khi Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 ra đời, Việt Nam chưa lần nào áp dụng biện pháp li-xăng cưỡng bức.