Các loại tranh chấp lao động

tranh chấp lao động

Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động

Pháp luật lao động Việt Nam phân chia tranh chấp lao động thành hai loại: (1) Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động; và (2) Tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động. Nếu tranh chấp lao động phát xuất từ một người lao động đối với người sử dụng lao động, ví dụ tranh chấp về trường hợp người lao động bị người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc bị người sử dụng lao động xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải v.v., thì đó là tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động. Tuy nhiên, nếu tranh chấp xảy ra giữa tập thể người lao động trong phạm vi một bộ phận thuộc cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp (một nhóm người lao động) với người sử dụng lao động hay trong phạm vi toàn doanh nghiệp thì gọi là tranh chấp lao động tập thể.

Tranh chấp lao động tập thể được phân chia thành tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.

Tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên đã được quy định trong pháp luật lao động (Bộ luật lao động, các nghị định, thông tư hiện hành), thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, hợp đồng lao động và/hoặc các thỏa thuận khác. Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là các tranh chấp lao động từ việc tập thể lao động yêu cầu xác lập về các điều kiện lao động mới chưa được pháp luật quy định cụ thể, chưa được các bên thỏa thuận trong thỏa ước lao động tập thể hoặc đã thỏa thuận trong thỏa ước lao động tập thể, nhưng với các yếu tố mới nảy sinh làm thay đổi, khiến các thỏa thuận trước đó không còn phù hợp vào thời điểm tranh chấp.