Các khoản phí cho những khoản vay

Các khoản phí

Luật sư quận Tân Bình hổ trợ tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp

Tùy thuộc vào tính chất của từng loại giao dịch mà bên vay phải trả thêm các khoản phí khác nhau theo quy định trong hợp đồng tín dụng.

Lưu ý, các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam chỉ được thu các loại phí sau:

  • Phí trả nợ trước hạn trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn;
  • Phí trả cho hạn mức tín dụng dự phòng;
  • Phí thu xếp cho vay hợp vốn;
  • Phí cam kết rút vốn kể từ thời điểm thỏa thuận cho vay có hiệu lực đến ngày giải ngân vốn vay lần đầu;
  • Các loại phí khác liên quan đến hoạt động cho vay được quy định cụ thể tại văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Dưới đây là một số loại phí thường gặp trong các hợp đồng tín dụng quốc tế.

1.   Phí cam kết (commitment fee)

Phí cam kết thường được áp dụng đối với khoản vay có thời hạn rút vốn dài trên 3 tháng. Theo thông lệ quốc tế, phí cam kết thường được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên số tiền bên cho vay cam kết cho vay nhưng chưa được giải ngân và được tính kể từ thời điểm ký hợp đồng tín dụng cho đến hết thời hạn giải ngân hoặc đến khi khoản tín dụng đã được giải ngân hết hoặc đã bị hủy bỏ. Các ngân hàng quốc tế thường phải chịu chi phí để bảo đảm duy trì tỷ lệ an toàn vốn khi cam kết cho vay mặc dù thực tế chưa cho vay. Vì vậy, phí cam kết thường được dùng để bù đắp các khoản chi phí này.

2.   Phí đại lý (agency fee)

Đây là khoản phí mà bên vay phải trả cho các ngân hàng thực hiện chức năng đại lý, ví dụ như đại lý tín dụng, đại lý nhận bảo đảm. Khoản phí này nhằm bù đắp các công việc liên quan đến việc quản lý khoản tín dụng, quản lý tài sản bảo đảm. Phí đại lý thường là một số tiền cụ thể tính theo năm.

3.   Phí trả trước/phí trả một lần (front end fee)

Phí trả trước thường được trả một lần ngay sau khi ký kết hợp đồng tín dụng hoặc trả trước khi giải ngân. Khoản phí này dùng để thanh toán cho bên cho vay các chi phí liên quan đến các công việc mà bên cho vay đã thực hiện trước khi ký kết hợp đồng tín dụng, ví dụ như việc thực hiện các công việc thẩm định tín dụng, điều phối các bên, đàm phán và ký hợp đồng. Khoản phí này thường là một số tiền cụ thể hay phần trăm (%) của khoản tín dụng cam kết.

4.   Phí thu xếp (arrangement fee)

Phí thu xếp được coi như một loại phí trả trước khi giải ngân và dùng để trả cho bên đã thu xếp khoản tín dụng trong trường hợp cấp tín dụng hợp vốn. Bên thu xếp sẽ phải thực hiện các công việc như điều tra về bên vay, dàn xếp và tổng hợp các bên cho vay, vì vậy, khoản phí này dành để chi trả cho công sức của bên dàn xếp đã bỏ ra.

5.   Phí bảo lãnh cấp vốn (underwriting fee)

Trong một khoản tín dụng hợp vốn, nghĩa vụ cho vay của mỗi bên cho vay là độc lập với nhau và một bên cho vay không phải chịu trách nhiệm về việc cung cấp tín dụng của bên cho vay khác. Tuy nhiên, bên vay có thể không chấp nhận rủi ro thiếu hụt vốn vay trong trường hợp một bên cho vay không thể giải ngân và có thể yêu cầu một bên cho vay đứng ra bảo lãnh cấp vốn cho toàn bộ khoản tín dụng. Nghĩa là, bên bảo lãnh sẽ chịu trách nhiệm cho vay bổ sung trong trường hợp một bên cho vay không giải ngân một phần khoản vay. Trong trường hợp này, bên vay sẽ phải thanh toán một khoản phí bảo lãnh cấp vốn cho bên bảo lãnh vì lý do bên bảo lãnh đã phải nhận thêm trách nhiệm cấp tín dụng cho một bên cho vay khác.

6.   Phí hủy bỏ (cancellation fee)

Trong trường hợp bên vay không rút vốn hoặc chỉ rút vốn một phần khoản tín dụng đã cam kết, khoản tín dụng hoặc phần còn lại chưa giải ngân sẽ bị hủy bỏ vào cuối thời hạn rút vốn và bên vay phải trả một khoản phí hủy bỏ. Khoản phí này thường được áp dụng cho việc vay tín dụng để mua tài sản cố định hay đầu tư dự án. Khi tham gia đấu thầu cho các dự án, bên vay thường phải vay để chứng minh nguồn vốn sẵn có và khi đấu thầu thất bại thì bên vay sẽ không còn nhu cầu sử dụng khoản tín dụng đã cam kết. Trong trường hợp này, bên cho vay thường phải áp dụng thêm phí hủy bỏ để bảo đảm lợi nhuận.