Thủ tục đăng ký sở hữu công nghiệp ?

Thủ tục đăng ký sở hữu công nghiệp ?

Luật sư quận Tân Bình tư vấn hổ trợ doanh nghiệp trong quá trình phát triển của quý công ty

Tất cả các loại đơn đăng ký sở hữu công nghiệp về cơ bản trải qua các quy trình sau: Nộp và tiếp nhận đơn; thẩm định hình thức đơn; công bố đơn hợp lệ; thẩm định nội dung đơn (trừ đơn đăng ký thiết kế bố trí không tiến hành thủ tục thẩm định nội dung đơn); cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ; đăng bạ và công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ.

+ Nộp và tiếp nhận đơn: Tổ chức, cá nhân chọn một trong hai cách nộp đơn: Trực tiếp tại Cục Sở hữu trí tuệ hoặc một trong các văn phòng của Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, hoặc nộp qua đường bưu điện. Các tài liệu kèm theo đơn được liệt kê tại Điều 100 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Mục 7 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14-2-2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 703/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.

+ Thẩm định hình thức: Thẩm định hình thức là việc kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn đăng ký, từ đó đưa ra kết luận đơn đăng ký có được coi là hợp lệ hay không. Kết quả của giai đoạn thẩm định hình thức là quyết định chấp nhận hoặc quyết định từ chối chấp nhận hợp lệ.

+ Công bố đơn hợp lệ: Đơn đăng ký đã được chấp thuận là đơn hợp lệ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp, để các bên thứ ba biết và phản đối nếu thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Bên thứ ba có quyền phản đối trước khi có quyết định cấp văn bằng bảo hộ hoặc quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

+ Thẩm định nội dung: Mục đích của việc thẩm định nội dung đơn đăng ký là đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ, xác định phạm vi (khối lượng) bảo hộ tương ứng. Kết quả của giai đoạn thẩm định nội dung là thông báo cấp văn bằng bảo hộ hoặc thông báo dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ. Với đơn đăng ký bổ sung sáng chế theo Hiệp ước hợp tác về sáng chế (đơn PCT), Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành “công bố lại” sau khi đơn đã vào giao đoạn quốc gia. Thông báo này không làm chấm dứt quyền hay phát sinh quyền, mà chỉ thể hiện dự định của Cục Sở hữu trí tuệ để người nộp đơn cho ý kiến.

+ Cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ: Nếu Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ, trong vòng mười ngày kể từ ngày người nộp đơn nộp đầy đủ và đúng hạn các khoản phí và lệ phí, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ. Nếu Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có quyền khiếu nại và khởi kiện quyết định này theo quy định của pháp luật khiếu nại và pháp luật tố tụng hành chính.

+ Đăng bạ và công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ: Đăng bạ, còn gọi là sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp, là cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ về các văn bằng bảo hộ đã cấp. Sau khi có quyết định cấp văn bằng bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ghi nhận thông tin về đối tượng sở hữu công nghiệp vào đăng bạ và công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ trên Công báo sở hữu công nghiệp.

Thời hạn Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện mỗi quy trình trên khác nhau tùy đối tượng (tham khảo Bảng 12 Phụ lục). Trên thực tế, thời hạn đăng ký thường dài hơn thời hạn luật định, do lượng đơn tồn đọng tại Cục Sở hữu trí tuệ rất lớn.

Đối với đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế có chỉ định Việt Nam theo Thỏa ước Madrid hoặc Nghị định thư Madrid và đơn đăng ký sáng chế quốc tế theo hệ thống PCT, văn phòng quốc tế WIPO thực hiện thẩm định hình thức và công bố đơn. Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành từ bước thẩm định nội dung. Kết quả của thẩm định nội dung là quyết định cấp văn bằng bảo hộ hoặc quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ.