Kỳ hạn tính lãi như thế nào ?

Kỳ hạn tính lãi như thế nào ?

Luật sư quận Tân Bình hổ trợ pháp lý và đồng hành cùng doanh nghiệp

Các hợp đồng tín dụng thường yêu cầu bên vay trả nợ lãi theo từng khoảng thời gian nhất định và thường là theo mỗi kỳ 3 hoặc 6 tháng. Cuối kỳ hạn tính lãi, bên vay sẽ phải trả nợ lãi và kỳ hạn tính lãi tiếp theo có thể sẽ áp dụng một mức lãi suất khác (trong trường hợp lãi suất thả nổi).

Trên thị trường quốc tế, bên cho vay thường huy động lãi suất thấp hơn trong thị trường liên ngân hàng để cho vay lại. Vì thế, kỳ hạn tính lãi theo hợp đồng tín dụng giữa bên vay và bên cho vay sẽ được xác định với một thời hạn tương tự với kỳ hạn tính lãi giữa bên cho vay và bên thứ ba trên thị trường liên ngân hàng. Ví dụ, bên cho vay đi vay trên thị trường liên ngân hàng với kỳ hạn 3 tháng thì kỳ hạn tính lãi giữa bên cho vay và bên vay sẽ có kỳ hạn 3 tháng. Điều này nhằm bảo đảm rằng khi bên vay trả nợ lãi vào cuối kỳ hạn tính lãi 3 tháng thì bên cho vay có thể dùng số tiền đó để trả nợ trên thị trường liên ngân hàng. Nếu bên vay trả lãi trước kỳ hạn, bên vay thường phải chịu thêm một khoản phí (break costs) để bảo đảm rằng bên cho vay có đủ tiền lãi để trả nợ vay thị trường liên ngân hàng.

   Số ngày trong năm để tính lãi suất

Lãi suất thường được tính bằng một con số phần trăm trên một năm (ví dụ 5%/năm). Theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN một năm được xác định trên cơ sở 365 ngày và lãi suất được tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó. Trong khi đó, trên thị trường quốc tế thì lãi suất theo năm thường được xác định trên cơ sở 1 năm có 360 ngày.

  Lãi suất cho vay theo pháp luật Việt Nam

Theo Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Trong trường hợp lãi suất thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định thì phần lãi suất vượt quá sẽ không có hiệu lực.

Trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các bên được thỏa thuận lãi suất cho vay1.

  Lãi suất quá hạn

Nếu bên vay không thực hiện việc trả nợ đúng hạn theo quy định trong hợp đồng tín dụng, lãi suất quá hạn sẽ được áp dụng trên khoản nợ quá hạn đó. Thông thường đó sẽ là một tỷ lệ phần trăm (%) cộng thêm trên lãi suất cho vay trong hạn. Trong các hợp đồng tín dụng quốc tế, lãi quá hạn thường cao hơn từ 1% đến 2% lãi suất cho vay trong hạn bởi nếu mức lãi quá hạn cao hơn có thể sẽ không được công nhận. Lãi suất quá hạn theo luật của các nước trong hệ thống thông luật (Common law) được coi là sự đền bù hợp lý cho bên cho vay khi bên vay trả nợ quá hạn.

Đối với các hợp đồng tín dụng mà bên cho vay là tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, lãi suất quá hạn đối với tiền gốc chậm trả là 150% lãi suất cho vay trong hạn. Lãi suất quá hạn đối với tiền lãi chậm trả là 10%/năm, tính trên dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả2.

   Biến động thị trường

Hợp đồng tín dụng thường sẽ quy định rõ thế nào là một sự kiện biến động thị trường (ví dụ như khủng bố). Khi xảy ra sự kiện biến động thị trường mà không thể xác định lãi suất thả nổi hoặc trong trường hợp chi phí huy động vốn của bên cho vay vượt quá mức chi phí vốn trong hợp đồng tín dụng thì điều khoản về biến động thị trường sẽ được áp dụng. Về căn bản, điều khoản này yêu cầu các bên phải thỏa thuận để tìm ra một phương thức xác định lãi suất khác và nếu không thể thỏa thuận được thì bên cho vay có quyền quyết định phương thức xác định lãi suất mới. Theo thông lệ trên thị trường tín dụng quốc tế, điều khoản này nhằm bảo vệ lợi ích của bên cho vay trong các biến cố của thị trường và chuyển toàn bộ rủi ro sang cho bên vay.

  1. Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.
  2. Khoản 4 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.