Tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” bị xử lý hình sự như thế nào?

Tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản

Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng bào chữa bị can, bị cáo bị khởi tố, truy tố, xét xử về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”

Nội dung vụ án “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 27/8/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện SS, thành phố HN khởi tố vụ án “Buôn bán hàng giả”, quy định tại khoản 2 Điều 192 Bộ luật Hình sự xảy ra tại xã Thanh Xuân, huyện SS. Vụ án có liên quan đến đối tượng Cổ Đức V, trú tại bản Nặm Cằm, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai và Đặng Thị Bích P, trú tại số 3P, ngõ 113, 18 Nguyễn Đăng Ninh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, thành phố HN (giữa V và P có mối quan hệ làm ăn, tình cảm với nhau). Ngày 27/12/2021, Cơ quan CSĐT Công an huyện SS ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Cổ Đức V về tội “Buôn bán hàng giả”. V được bố trí giam tại buồng số 206, tầng 2 Nhà tạm giữ Công an huyện SS, cùng với các bị can Nguyễn Huy Tuệ Quang, Trần Lục Linh và Nguyễn Quý Long.

Quản giáo Trần Thanh B, cấp bậc Đại úy, thuộc Đội Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an huyện SS được chỉ huy phân công trực gác tầng 1, tầng 2 Nhà tạm giữ, trong đó có buồng giam số 206 đang giam bị can Cổ Đức V. Nhiệm vụ của cán bộ quản giáo là trực theo ca (24/24 giờ) để theo dõi, giám sát đối tượng giam giữ tránh trốn, đánh nhau, thông cung, tự sát. Nội quy Nhà tạm giữ quy định không được mang, sử dụng điện thoại di động trong khu vực giam giữ. Quá trình quản lý buồng giam số 206, bị can V nhờ quản giáo Trần Thanh B xin được nói chuyện qua điện thoại với người thân, gia đình để gửi tiền mua đồ ăn, đồ sinh hoạt cá nhân và xin cho V được tiếp tục tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an huyện SS mà không phải chuyển đi cơ sở giam giữ khác (do V nghe những bị can cùng giam nói phải chuyển nơi giam giữ). Trần Thanh B đồng ý và nói với V muốn ở lại Nhà tạm giữ Công an huyện SS phải chi phí là 10.000.000 đồng. Đến tối ngày 11/02/2022, trong ca trực của B (từ 15h00 đến 22h00), B đã mang điện thoại di động cá nhân Iphone 6s plus, số thuê bao 0986591013 vào khu vực giam giữ tầng 2 do B phụ trách. B đi đến buồng giam số 206, đứng ở ngoài hành lang gọi điện thoại cho Đặng Thị Bích P có số thuê bao 0963342793, mở loa ngoài để cho Cổ Đức V đứng bên trong buồng giam nói chuyện với P qua cửa song sắt. Qua điện thoại, V nói với P chuyển số tiền 2.000.000 đồng cho B để mua thêm đồ ăn cho V trong quá trình tạm giam. Đồng thời, nói chuyện với P chuyển số tiền 10.000.000 đồng cho quản giáo B để lo giúp cho V ở lại Nhà tạm giữ Công an huyện SS, V nói có gì P liên lạc với B. Sau đó, P và B tiếp tục liên lạc với nhau qua điện thoại, B đã nhắn tin cho P số tài khoản ngân hàng của B. Cùng ngày 11/02/2022, P đã sử dụng ứng dụng ngân hàng điện tử, chuyển số tiền 2.000.000 đồng từ tài khoản số 19035921966015 của P tại Ngân hàng Techcombank đến tài khoản số 19037188808011 của Trần Thanh B tại ngân hàng Techcombank, nội dung chuyển khoản: “Nhờ anh chuyển tiền cho V giúp em, em cảm ơn”. Sau khi nhận được tiền, B báo lại cho V biết và B đã dùng hết số tiền này để mua thêm đồ ăn cho V. V xác nhận trong quá trình bị tạm giam, nhiều lần nhận được đồ của B mua cho như mì tôm, lương khô, bánh kẹo, thuốc lá….

Ngày 12/02/2022, P chủ động liên lạc với B xin được nói chuyện qua điện thoại với V về việc chuyển tiền cho B để xin cho V được ở lại Nhà tạm giữ Công an huyện SS, do B hết ca trực nên không cho P nói chuyện với V được. Việc P xin cho V ở lại Nhà tạm giữ Công an huyện SS, B đồng ý nhận lời. Khoảng 16 giờ 30 phút cùng ngày, P tiếp tục chuyển cho B số tiền 10.000.000 đồng qua tài khoản ngân hàng, nội dung chuyển khoản: “Nhờ anh giúp cho V nhà em xin được ở lại trại SS”. Sau khi nhận được số tiền 10.000.000 đồng do P chuyển, B không liên hệ với người có thẩm quyền, không có hoạt động nào để xin cho V ở lại tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an huyện SS. Sau đó, bị cáo V đã bị chuyển đến giam tại Trại giam số 2, Công an thành phố HN. Trần Thanh B không trả lại 10.000.000 đồng cho Đặng Thị Bích P mà chiếm đoạt, sử dụng vào mục đích cá nhân. Ngoài ra, Trần Thanh B còn nhiều lần cho bị can V viết thư tay bằng giấy, bút (theo lời khai của V, giấy bút này có sẵn trong buồng giam từ các bị can khác để lại) rồi B chụp ảnh gửi cho P thông qua ứng dụng “Imessage” trên điện thoại Iphone cá nhân của B. Nội dung thư, tin nhắn về chuyện gia đình, chuyện tình cảm của V, P và trao đổi việc xin cho V ở lại Nhà tạm giữ Công an huyện SS. Đặng Thị Bích P đề nghị Trần Thanh B trả lại số tiền 10.000.000 đồng đã chiếm đoạt, còn số tiền 2.000.000 đồng P chuyển cho Binh để mua thức ăn, đồ dùng cá nhân cho V và V đã nhận được nên P không yêu cầu trả lại.

Hình phạt tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”

Áp dụng khoản 1 Điều 355; điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 38 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Trần Thanh B 18 (Mười tám) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *