Tội dùng nhục hình bị xử lý như thế nào?

tội dùng nhục hình

Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trong vụ án dùng nhục hình

Dùng nhục hình là hành vi của người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác gây tổn hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự đối với người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, người bị kết án  và những người tham gia tố tụng khác.

Tội dùng nhục hình là tội phạm đã được quy định tại Điều 234 Bộ luật hình sự năm 1985.

So với Điều 234 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 298 Bộ luật hình sự năm 1999 về tội phạm này, có những sửa đổi, bổ sung như sau:

– Điều 234 Bộ luật hình sự năm 1985 cấu tạo hai khoản, còn Điều 298 Bộ luật hình sự năm 1999 cấu tạo thành 4 khoản trong đó khoản 4 là hình phạt bổ sung, bổ sung khoản 3 với tình tiết là yếu tố định khung hình phạt là“gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”; và sửa thuận ngữ “trong hoạt động tư pháp” bằng thuật ngữ “trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”.

Về hình phạt, do yêu cầu của việc đấu tranh phòng chống loại tội phạm này ngoài việc quy định thêm khung hình phạt tăng nặng thì mức hình phạt cao nhất của tội phạm này là mười hai năm thay vì chỉ có bảy năm như Điều 234 Bộ luật hình sự năm 1985 (Điều 373 BLHS 2015 có mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù, hoặc chung thân); bỏ loại hình phạt cải tạo không giam giữ quy định tại khoản 1 của điều luật. Tuy nhiên, thực tiễn đấu tranh phòng chống loại tội phạm này cũng gặp nhiều khó khăn, rất ít trường hợp người có hành vi nhục hình bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ có những người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự như: Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát; Chánh án, Phó chánh án Toà án; Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Toà án, các cán bộ trong các Nhà tạm giữ, Trại tạm giam, Trại giam (Ban giám thị, Quản giáo) mới có thể thực hiện được tội phạm này.

Thực tiễn cho thấy, những người như Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát; Chánh án, Phó chánh án Toà án; Thư ký Toà án; Hội thẩm khó có điều kiện để thực hiện hành vi dùng nhục hình, mà chỉ có Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra và Điều tra viên, cán bộ trong các Nhà tạm giữ, Trại tạm giam, Trại giam mới có điều kiện thực hiện hành vi dùng nhục hình.

Khi xác định chủ thể của tội phạm này cần chú ý: đối với những người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự nhưng không trực tiếp tham gia điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự mà có hành vi dùng nhục hình người tham gia tố tụng thì không phải là chủ thể của tội phạm này. Ví dụ: Nguyễn Văn K là cảnh sát hình sự trong lúc tham gia bắt Phạm Văn H có hành vi chống người thi hành công vụ, Nguyễn Văn K đã dùng vũ lực đối với  Phạm Văn H làm cho H bị khâu 5 mũi ở đầu, nhưng sau khi Phạm Văn H bị khởi tố, Nguyễn Văn K không được phân công điều tra; lợi dụng việc mình bị K đánh nên H nại ra rằng do bị dùng nhục hình nên mới nhận tội. Hành vi gây thương tích cho H của K chỉ là hành vi gây thương tích cho người khác trong khi thi hành công vụ chứ không phải hành vi dùng nhục hình. 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

Tội dùng nhục hình không chỉ xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người bị nhục hình mà còn làm giảm uy tín của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án và Cơ quan thi hành án hình sự. Nhà làm luật quy định hành vi dùng nhục hình là tội phạm, xuất phát từ nguyên tắc quy định tại Điều 6 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 (Điều 10 BLTTHS 2015) (bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân) “nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình”.

Đối tượng tác động của tội phạm này chính là người bị nhục hình, họ là nạn nhân của hành vi nhục hình. Người bị nhục hình đa số là bị can, bị cáo đang bị tạm giam, người bị kết án đang cải tạo trong các trại giam; còn đối với những người tham gia tố tụng khác ít là đối tượng tác động của tội phạm này. Tuy nhiên, về lý thuyết thì những người này vẫn có thể là đối tượng tác động của hành vi dùng nhục hình. Ví dụ: Đặng Vương H bị nghi là có liên quan đến hành vi mua bán trái phép chất ma tuý của Đinh Văn S, nên đã bị Cơ quan điều tra triệu tập đến để lấy lời khai, Điều tra viên Trần Quốc T đã cùm chân H ba ngày liền buộc H phải khai gian dối về hành vi của Đinh Văn S nên được tha về. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án đã xác định Đặng Vương H là người làm chứng trong vụ án. Tại phiên toà H đã tố cáo hành vi dùng nhục hình của Điều tra viên T và khai thật về hành vi của Đinh Văn S.

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

a. Hành vi khách quan

Người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự có thể thực hiện một hoặc một số hành vi sau:

– Tra tấn, đánh đập, bắt nhịn ăn, nhịn uống, cho ăn cơm thừa, canh cặn, không cho ngủ, cùm kẹp, hỏi cung suốt ngày đêm, bắt phơi nắng, bắt tắm nước lạnh vào mùa đông hoặc có hành vi khác gây đâu đớn về thể xác và tinh thần đối với người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù trong các trại giam hoặc những người tham gia tố tụng khác.

– Việc xác định hành vi dùng nhục hình không phải đơn giản vì tính chất của hành vi này rất khó phát hiện, bởi lẽ người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ pháp luật và bao giờ cũng dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để che giấu hành vi của mình; khi bị tố cáo, họ thường tìm cách chối cãi và đòi đưa ra bằng chứng, mà người bị nhục hình vì ở “thế yếu” nên không đưa được ra bằng chứng xác thực, nên không có căn cứ xác định người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự có hành vi dùng nhục hình.

Ngược lại, có nhiều trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam, trong quá trình điều tra đã khai nhận dầy đủ hành vi phạm tội của mình, nhưng tại phiên toà lại chối tội; khi được hỏi vì sao tại Cơ quan điều tra bị cáo lại nhận tội thì được trả lời là do bị bức cung, nhục hình nên phải nhận tội nhưng lại không đưa ra được bằng chứng nào là mình bị nhục hình. Vì vậy, khi xác định người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự có hành vi nhục hình hay không phải rất khách quan; không thể chỉ căn cứ vào lời tố cáo của người tham gia tố tụng hay lời chối cãi của người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, mà phải căn cứ vào tất cả các yếu tố để xác định sự thật vụ án.

Nếu dùng nhục hình mà hành vi cấu thành một tội phạm độc lập khác thì người có hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả tội dùng nhục hình và tội phạm tương ứng. Ví dụ: Nếu dùng nhục hình mà làm cho nạn nhân chết chỉ người có hành vi dùng nhục hình bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người với tình tiết định khung hình phạt là “bằng cách lợi dụng nghề nghiệp” hoặc tình tiết “thực hiện tội phạm một cách man rợ”. Nếu dùng nhục hình mà gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người bị nhục hình có tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên thì người có hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hình sự về tội dùng nhục hình và tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác”. Tuy nhiên, việc truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi dùng nhục hình thêm một tội khác cần phải bảo đảm nguyên tắc, hành vi dùng nhục hình đã vượt quá, vượt ra ngoài các dấu hiệu cấu thành tội dùng nhục hình hoặc bản thân hành vi dùng nhục hình cấu thành một tội độc lập. Ví dụ: hành vi bắt phạm nhân cởi bỏ hết quần áo đứng phơi nắng hoặc trước đám đông để cho phạm nhân xấu hổ. Hành vi này vừa cấu thành tội dùng nhục hình, vừa cấu thành tội làm nhục người khác nhưng hành vi làm nhục này lại là dấu hiệu của hành vi dùng nhục hình nên không thể truy cứu thêm tội làm nhục người khác nữa. 

b. Hậu quả                                  

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, chỉ cần người phạm tội thực hiện hành vi dùng nhục hình là tội phạm đã hoàn thành. Nếu hậu quả do hành vi dùng nhục hình gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì tuỳ trường hợp người phạm tội bị truy cứu theo khoản 2 hoặc khoản 3 của điều luật.

Trường hợp hành vi dùng nhục hình gây ra hậu quả mà do gây ra hậu quả đó mà hành vi dùng nhục hình cấu thành một tội phạm độc lập khác thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng với thiệt hại mà người phạm tội đã gây ra cho người bị nhục hình như đã nêu ở hành vi khách quan của tội phạm.

c. Các dấu hiệu khách quan khác

Đối với tội dùng nhục hình, ngoài hành vi khách quan, nhà làm luật không quy định dấu hiệu khách quan nào khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành. Tuy nhiên, khi xác định các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm này, cũng cần phải nghiên cứu các quy định của pháp luật về chế độ giam, giữ, cải tạo đối với người bị tạm giữ, tạm giam, người bị kết án đang cải tạo ở các Trại giam và các quy định của luật tố tụng (chủ yếu là tố tụng hình sự) về việc triệu tập, xét hỏi, lấy lời khai của những người tham gia tố tụng. Ví dụ: đối với người phạm tội đặc biệt nguy hiểm như giết người, cướp tài sản hoặc người đã bị kết án tử hình thì chế độ giam giữ sẽ nghiêm ngặt hơn đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội do vô ý. Có thể cùng là việc cùm chân, những đối với người này thì đó là hành vi dùng nhục hình, nhưng đối với người khác thì đó lại là hành vi hợp pháp. 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội dùng nhục hình thực hiện hành vi phạm tội của mình là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc tuy chỉ thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Động cơ tuy không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này nhưng việc xác định động cơ của người phạm tội là rất cần thiết. Nếu người phạm tội vì động cơ cá nhân hoặc động xấu khác thì sẽ bị phạt nặng hơn người phạm tội vì động cơ nóng vội, vì thành tích, muốn hoàn thành việc điều tra kết thúc vụ án sớm.

Trường hợp người phạm tội biết rõ người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo là người không có mà dùng nhục hình để buộc họ phải nhận tội thì ngoài tội dùng nhục hình, người có chức vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, nếu các dấu hiệu khác thoả mãn yếu tố cấu thành tội phạm đó.