Quyền đăng ký trong luật sở hữu trí tuệ

Luật sư quận Tân Bình tư vấn hổ trợ doanh nghiệp trong quá trình phát triển của quý công ty

Người có quyền đăng ký là người có tư cách nộp đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ và được đề tên trên văn bằng bảo hộ. Quyền đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, ngoại trừ chỉ dẫn địa lý, là quyền có thể chuyển giao. Không có khái niệm “quyền đăng ký tên thương mại” và “quyền đăng ký bí mật kinh doanh” do quyền với các đối tượng này không phát sinh trên cơ sở đăng ký.

+ Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí: Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thuộc về: Tác giả tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bằng chi phí và công sức của mình hoặc tổ chức đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả sáng tạo dựa trên hợp đồng giao việc, thuê việc1. Trong trường hợp sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tạo ra từ ngân sách nhà nước, tổ chức đại diện phần vốn nhà nước đầu tư đại diện cho Nhà nước thực hiện quyền đăng ký2. Nếu nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau đầu tư tạo ra sáng chế, kiểu dáng, thiết kế bố trí, tất cả các cá nhân, tổ chức này đều có quyền đăng ký. Tuy nhiên, quyền này chỉ có thể thực hiện khi tất cả các cá nhân, tổ chức có quyền đăng ký đồng ý.

+ Nhãn hiệu: Quyền đăng ký nhãn hiệu thông thường thuộc về bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Tổ chức, cá nhân không sản xuất mà chỉ phân phối hợp pháp hàng hóa chỉ có quyền đăng ký nhãn hiệu nếu người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký. Quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận thuộc về tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ. Nhãn hiệu có thể được đăng ký cùng dưới tên nhiều cá nhân, tổ chức khác nhau, dưới dạng đồng sở hữu3.

+ Chỉ dẫn địa lý: Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước. Nhà nước chuyển quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý4

1. Khoản 1 Điều 86 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005.
2. Điều 9 Nghị định số 103/2006/NĐ-CP.
3. Điều 87 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005.
4. Điều 88 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005.