Quy định về hợp đồng xây dựng theo luật Việt Nam và theo FIDIC

Những bước phát triển của luật Việt Nam và FIDIC về hợp đồng xây dựng

Luật sư quận Tân Bình hổ trợ pháp lý doanh nghiệp

Những bước phát triển của luật Việt Nam và FIDIC về hợp đồng xây dựng

Trước đây, quy định của pháp luật Việt Nam về hợp đồng xây dựng tương đối mờ nhạt và sơ khai, mãi tới khi Nghị định số 99/2007/ NĐ-CP và Thông tư số 06/2007/TT-BXD ngày 25 tháng 7 năm 2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn hợp đồng trong hoạt động xây dựng ra đời thì những vấn đề của hợp đồng xây dựng mới được điều chỉnh cụ thể. Dấu mốc quan trọng nhất của thời điểm này chính là việc Bộ Xây dựng ban hành hai công văn quan trọng để hướng dẫn về hợp đồng xây dựng đó là: Công văn 2507/BXD-VP hướng dẫn hợp đồng tư vấn, và Công văn 2508/BXD-VP hướng dẫn hợp đồng xây dựng.

Tiếp đó, để hợp thức hóa việc quy định về hợp đồng xây dựng, Nghị định số 48/2010/NĐ-CP và Thông tư số 09/2011/TT-BXD ngày 28 tháng 6 năm 2011 của Bộ Xây dựng hướng dẫn mẫu hợp đồng thi công xây dựng công trình (sau đây gọi tắt là Thông tư số 09/2011/TT-BXD) ra đời với nội dung giới thiệu và điều chỉnh riêng biệt về mẫu hợp đồng xây dựng, tách khỏi các vấn đề về quản lý dự án xây dựng.

Sau khi Luật xây dựng năm 2014 ra đời, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã kế thừa những quy định trước đó về hợp đồng xây dựng để ban hành Nghị định số 37/2015/NĐ-CP và gần nhất là Thông tư số 09/2016/TT-BXD để quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc thay đổi luật để nâng tầm các quy định của pháp luật từ quyết định lên nghị định và thông tư, đồng thời tách biệt những vấn đề khác nhau trong hoạt động để điều chỉnh riêng biệt. Tuy nhiên, có thể thấy, việc ban hành các mẫu hợp đồng xây dựng có hai đặc điểm nổi bật, là: Kế thừa giữa Nghị định số 48/2010/NĐ-CP, Thông tư số 09/2011/TT-BXD và Nghị định số 37/2015/NĐ-CP thành Thông tư số 09/2016/TT-BXD và có những bước thụt lùi của các nghị định, thông tư so với Công văn 2507/BXD-VP ngày 26-11-2007 và Công văn 2508/BXD-VP ngày 26-11-2007, đặc biệt là những vấn đề như: Mức độ chi tiết của hợp đồng phản ánh qua số trang của hợp đồng mẫu; hợp đồng thầu phụ chỉ định; hiệu lực của hợp đồng; cấu trúc của hợp đồng, v.v..

Trong khi đó, sau khi ấn bản hợp đồng đầu tiên được giới thiệu vào năm 1957, FIDIC đã liên tục cập nhật, thay đổi, điều chỉnh và giới thiệu những ấn bản mới về hợp đồng xây dựng. Nếu như mẫu hợp đồng xây dựng áp dụng cho việc xây dựng truyền thống (Red Book 1987) giới thiệu 72 điều khoản khác nhau phần nào cho thấy sự phức tạp, chưa thực sự phù hợp về nội dung và trong cách cấu trúc của hợp đồng FIDIC tại thời điểm đó1 thì khi ấn bản hợp đồng FIDIC 1999 được ban hành, cấu trúc hợp đồng đã được đơn giản hóa và được sắp xếp theo một trình tự khoa học, dễ theo dõi và dễ tiếp cận2. Theo đó, cấu trúc chuẩn của một hợp đồng FIDIC bao gồm các nhóm sau đây:

Nhóm 1: Các quy định chung, bao gồm 1 điều khoản;

Nhóm 2: Các quy định về chủ thể, bao gồm 4 điều, được sắp xếp theo thứ tự: Chủ đầu tư, nhà tư vấn, nhà thầu và nhà thầu phụ được chỉ định;

1. Tham khảo Bảng 6 Phụ lục
2. Xem Bảng 7 Phụ lục (Các điều khoản của Hợp đồng FIDIC 1999 – Bảng rút gọn).

Nhóm 3: Các quy định về chuẩn bị khởi công, thi công và hoàn thành, bao gồm 6 điều, được sắp xếp theo thứ tự khoa học: Con người, vật tư, thiết bị, khởi công, hoàn thành và bảo hành;

Nhóm 4: Các quy định về chi phí của hợp đồng, bao gồm 3 điều được sắp xếp theo một trật tự khoa học: Đo đạc, phát sinh tới giá hợp đồng và thanh toán;

Nhóm 5: Các quy định về quyền tạm ngưng, chấm dứt, bao gồm 2 điều được sắp xếp theo thứ tự: Chủ đầu tư, nhà thầu;

Nhóm 6: Các quy định khác, bao gồm 3 điều được sắp xếp theo thứ tự: Rủi ro, phân chia rủi ro và bảo hiểm;

Nhóm 7: Các quy định về khiếu nại, giải quyết tranh chấp, bao gồm 1 điều.