Những điểm tương đồng giữa quy định về hợp đồng xây dựng theo luật Việt Nam và FIDIC

Luật sư quận Tân Bình hổ trợ pháp lý doanh nghiệp

Những điểm tương đồng giữa quy định về hợp đồng xây dựng theo luật Việt Nam và FIDIC

Bên cạnh những khác biệt giữa hợp đồng xây dựng theo quy định của pháp luật Việt Nam và hợp đồng FIDIC như đã được phân tích, ở góc độ tổng thể, có thể nhận thấy rằng Việt Nam đã có những nỗ lực quan trọng trong việc tiếp cận thông lệ quốc tế về hợp đồng trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là hợp đồng FIDIC. Điều này được thể hiện ở nhiều khía cạnh, cụ thể:

  1. Cách cấu trúc nội dung của hợp đồng:

Tại Việt Nam, việc ấn định các mẫu hợp đồng trong những năm gần đây dù có những điểm lùi so với Công văn 2507/BXD-VP và Công văn 2508/BXD-VP, nhưng cũng có những điểm tích cực và tương đồng nhất định so với hợp đồng FIDIC. Cụ thể, mẫu hợp đồng được ban hành

gần nhất có 25 điều khoản1, trong đó có những điều khoản tương ứng với hợp đồng FIDIC Red Book 1999. Chi tiết của những điều khoản tương đồng giữa mẫu hợp đồng được ban hành kèm theo Thông tư số 09/2016/TT-BXD và so với FIDIC Red Book 1999 được thể hiện tại Bảng 8 Phụ lục.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã bắt đầu sử dụng cách vận hành của các điều kiện riêng, điều kiện chung trong hợp đồng xây dựng2. Điều này cho thấy Việt Nam đã hiểu rõ hơn tầm quan trọng của các quy định chung, các quy định riêng, đồng thời hiểu được chức năng, vai trò và vị trí của các tài liệu khác trong hợp đồng.

Do vậy, khi tư vấn cho khách hàng về cấu trúc của hợp đồng xây dựng, Luật sư có thể giới thiệu cấu trúc hợp đồng FIDIC hoặc cấu trúc hợp đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam và đưa ra những kiến nghị hợp lý về việc sử dụng cấu trúc hợp đồng phù hợp nhất.

Trong trường hợp các bên thống nhất lựa chọn áp dụng điều kiện chung và điều kiện riêng thì Luật sư cần tư vấn cho khách hàng về thứ tự ưu tiên của các tài liệu hợp đồng cũng như thứ tự ưu tiên của điều kiện riêng so với điều kiện chung để khách hàng hiểu được cấu trúc cũng như sự vận hành của các điều khoản hợp đồng xây dựng. Cần lưu ý, các nội dung của mẫu hợp đồng dùng cho lĩnh vực tư vấn (ban hành kèm theo Công văn 2507/BXD-VP) và mẫu hợp đồng dùng cho lĩnh vực thi công xây dựng (ban hành kèm theo Công văn 2508/BXD-VP) của Bộ Xây dựng dựa trên nền tảng những quy định của hợp đồng FIDIC 1999 (mặc dù có những biến thể nhất định) và có nhiều điểm tiến bộ hơn so với mẫu hợp đồng ban hành kèm theo Thông tư số 09/2016/TT-BXD. Những hạn chế của Thông tư số 09/2016/TT-BXD có thể một phần được lý giải bởi yêu cầu quản lý vốn ngân sách nhà nước trong bối cảnh mà nợ công của Việt Nam tăng cao, hoặc bởi những tương đồng giữa Nghị định số 37/2015/NĐ-CP và Nghị định số 48/2010/NĐ-CP trước đó.

Ngoài ra, có bốn điểm cần đặc biệt chú ý đối với các mẫu hợp đồng xây dựng của Việt Nam, đó là: Chất lượng các nội dung được quy định tại các mẫu hợp đồng này còn chưa rõ ràng, thiếu sự thống nhất; nhiều nội dung quan trọng được nêu trong các mẫu hợp đồng này đã bị hiệu chỉnh về ngữ nghĩa và phạm vi áp dụng so với ý nghĩa được nêu trong các điều kiện hợp đồng FIDIC, đặc biệt là Red Book 1999; về tổng thể các quy định mẫu này đang hướng dẫn cho hợp đồng thi công xây dựng truyền thống (nhà thầu chỉ thi công theo bản vẽ và yêu cầu kỹ thuật của chủ đầu tư đưa ra) mà chưa có sự phân hóa hoặc chỉ dẫn rõ ràng cho các loại hợp đồng thiết kế và thi công hoặc loại hợp đồng EPC/Turnkey; và phạm vi áp dụng của các quy định này là lĩnh vực có sử dụng vốn ngân sách nhà nước mà không được áp dụng chung cho tất cả các quan hệ hợp đồng xây dựng tại Việt Nam.

  1. Về việc lựa chọn Ban xử tranh chấp và/hoặc quan tài phán:

Cùng với ảnh hưởng và sự du nhập của các mẫu hợp đồng được thừa nhận trên thế giới, Việt Nam cũng bắt đầu giới thiệu Ban xử lý tranh chấp trong Công văn 2508/BXD-VP ngày 26-11-2007 và gần đây nhất là trong Nghị định số 37/2015/NĐ-CP 1 mặc dù vấn đề này trước đây đã không được Nghị định số 48/2010/NĐ-CP, Thông tư số 09/2011/TT-BXD giới thiệu đầy đủ.

Việc giải quyết tranh chấp thông qua Ban xử lý tranh chấp là một cơ chế khá đặc thù bởi đây là nơi tập hợp của những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng; những vấn đề mà Ban xử lý tranh chấp được tham vấn để giải quyết thường liên quan tới vấn đề kỹ thuật; những quyết định của Ban xử lý tranh chấp (nếu có) sẽ là một cơ sở để các bên tham khảo và cân nhắc áp dụng. Ngoài ra, cơ chế này còn giúp việc giải quyết tranh chấp được diễn ra một cách khách quan, khoa học, ít tốn kém. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, việc lựa chọn hoặc chỉ định một cơ quan tài phán làm Ban xử lý tranh chấp không có nghĩa sẽ bác bỏ, làm giảm trừ hoặc ngăn cản bất kỳ bên nào theo hợp đồng xây dựng đệ trình vấn đề mà mình không thỏa mãn ra Trọng tài, Tòa án hoặc cơ quan giải quyết tranh chấp khác.

1. Khoản 2 Điều 45 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.

Ngoài ra, với uy tín của mình thì hiện nay, nhiều Trung tâm trọng tài trong đó có cả VIAC đã được viện dẫn trong hợp đồng xây dựng như là chủ thể có quyền thành lập Ban xử lý tranh chấp hoặc được thực hiện vai trò là Ban xử lý tranh chấp. Ở một số trường hợp khác, VIAC được chỉ định là cơ quan tài phán để giải quyết các tranh chấp của hợp đồng xây dựng. Sự trưởng thành của VIAC là cần thiết và được nhiều chủ thể mong đợi để có thể hỗ trợ các bên trong việc giải quyết tranh chấp, trong trường hợp không nhất thiết phải viện dẫn các tranh chấp được giải quyết tại ICC hoặc SIAC1 – tránh tốn kém và rủi ro trong việc không được công nhận và/hoặc không cho thi hành tại Việt Nam nếu các phán quyết này vi phạm các nguyên tắc của luật Việt Nam.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là phủ quyết toàn bộ giá trị và ý nghĩa của ICC và SIAC trong quá trình giải quyết tranh chấp. Một số trường hợp, các nhà thầu hoặc nhà tài trợ chỉ muốn việc giải quyết tranh chấp được diễn ra bởi các tổ chức này để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc tham gia các vụ tranh chấp tại các tổ chức trọng tài này cũng là cơ hội để các Luật sư có được nhiều kinh nghiệm và bài học quý giá cho các vụ kiện mang tính chất quốc tế về sau.