Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện không ?

Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện không ?

Luật sư quận Tân Bình tư vấn hổ trợ doanh nghiệp trong quá trình phát triển của quý công ty

Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình đầu tư tài chính, cơ sở vật chất để sản xuất bản ghi âm, ghi hình là chủ sở hữu bản ghi âm ghi hình. Do đó, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền được quy định tại Điều 30 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005.

Khác với tác giả và người biểu diễn luôn có quyền nhân thân, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình chỉ có các quyền tài sản đối với sản phẩm của mình, được toàn quyền hưởng các quyền lợi vật chất khi bán, phân phối sản phẩm tới công chúng, cũng như khi có tổ chức, cá nhân khác sử dụng bản ghi âm, ghi hình nhằm mục đích kinh doanh dưới bất kỳ hình thức nào.

Điều 33 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định rõ tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng dù có hay không có tài trợ, quảng cáo, có hay không có thu tiền dưới bất cứ hình thức nào thì không phải xin phép nhưng phải trả thù lao, nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng theo thỏa thuận hoặc theo quy định của Chính phủ.

Trường hợp sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép nhưng phải trả thù lao, nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng thực hiện theo thỏa thuận hoặc theo quy định của Chính phủ.

Việc sử dụng trực tiếp hay gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh nghĩa là tổ chức, cá nhân sử dụng tại nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, siêu thị, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính, viễn thông, môi trường kỹ thuật số; trong các hoạt động du lịch, hàng không, giao thông công cộng và các hoạt động kinh doanh, thương mại khác.

Tương tự vậy, Điều 12 Công ước Rome quy định rõ vấn đề này trong trường hợp sử dụng lại bản ghi âm. Theo đó, “nếu một bản ghi âm đã được công bố vì mục đích thương mại hoặc một bản sao của bản ghi âm ấy được sử dụng trực tiếp để phát sóng tới công chúng thì người sử dụng trả cho người biểu diễn hoặc nhà sản xuất bản ghi âm hoặc cả hai một khoản tiền thù lao hợp lý. Trong trường hợp không có sự thỏa thuận giữa các bên, luật quốc gia có thể quy định các điều kiện để phân chia khoản thù lao này”.

Phân tích Điều 33 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Điều 12 Công ước Rome chúng ta nhận thấy, ở Việt Nam, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình khi đầu tư tài chính để sản xuất băng đĩa tuy đã có trả thù lao cho người biểu diễn, song người biểu diễn cũng sẽ không mất đi quyền tài sản của mình khi có tổ chức, cá nhân khác sử dụng lại bản ghi âm đó nhằm mục đích kinh doanh, thương mại. Cụ thể, nếu trong hợp đồng ký kết giữa người biểu diễn với nhà sản xuất bản ghi âm không có điều khoản thỏa thuận người biểu diễn chuyển nhượng quyền tài sản của mình cho nhà sản xuất trong trường hợp bên thứ ba sử dụng bản ghi âm, ghi hình đó để kinh doanh, thì đương nhiên người biểu diễn vẫn được hưởng quyền lợi vật chất như quy định tại Điều 33 nói trên.

Tóm lại, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình khi đầu tư tài chính và cơ sở vật chất để sản xuất băng đĩa là chủ sở hữu bản ghi đó và được toàn quyền hưởng lợi từ việc bán sản phẩm băng đĩa đến công chúng, hay được độc quyền sao chép sản phẩm ấy. Tuy nhiên, khi có bên thứ ba sử dụng sản phẩm băng đĩa nhằm mục đích phát sóng hay kinh doanh thương mại thì bên thứ ba phải có nghĩa vụ trả tiền thù lao, nhuận bút cho cả nhà sản xuất lẫn người biểu diễn (trừ trường hợp người biểu diễn có ký hợp đồng chuyển nhượng quyền tài sản của mình cho nhà sản xuất đối với trường hợp có bên thứ ba sử dụng lại bản ghi âm, ghi hình để kinh doanh, thương mại).

Hiện nay, tại Việt Nam, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng bản ghi âm, ghi hình để kinh doanh (như các dịch vụ viễn thông, internet, nhà hàng khách sạn, siêu thị, v.v.), khi thực hiện nghĩa vụ theo Điều 33 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, có thể đến Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) để đóng tiền tác quyền cho các nhạc sĩ và đến Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) để thanh toán bản quyền cho các nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình. Đối với người biểu diễn, có Hội bảo vệ quyền của người biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) vừa được thành lập vào tháng 3-2015. Tuy nhiên, APPA chỉ là tổ chức bảo vệ những người biểu diễn âm nhạc (ca sĩ, nhạc công) mà thôi.