Khoản tín dụng theo thời hạn cố định và khoản tín dụng tuần hoàn

HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG QUỐC TẾ - CÁC ĐIỀU KHOẢN CHÍNH

Luật sư quận Tân Bình hổ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp

Nếu xét về cách thức trả vốn vay, có thể phân chia khoản tín dụng thành: Khoản tín dụng theo thời hạn cố định và khoản tín dụng tuần hoàn.

  1. Khoản tín dụng theo thời hạn cố định:

Trong trường hợp tín dụng theo thời hạn, bên vay chỉ được rút vốn trong một thời hạn nhất định và phải hoàn trả khoản vay cộng với lãi trong một thời hạn nhất định. Khoản vay đã được trả sẽ không được cho vay lại.

Việc trả nợ vay được thực hiện theo thỏa thuận của các bên và có các hình thức như trả nợ một lần vào cuối thời hạn vay, trả nợ nhiều lần với các khoản thanh toán bằng nhau hay trả nợ nhiều lần với khoản thanh toán khác nhau. Thông thường, càng về gần cuối thời hạn vay, khoản tiền phải trả càng lớn. Để dễ dàng quản lý thời hạn trả nợ và dòng tiền, các bên thường thỏa thuận trước một lịch trả nợ theo tháng, quý hoặc theo năm với các số tiền cụ thể.

Khoản tín dụng theo thời hạn thường được dùng để cung cấp vốn cho các mục đích trung và dài hạn như đầu tư, xây dựng một dự án. Thông thường, các dự án đi vay sẽ không phát sinh nguồn thu nhập vào giai đoạn đầu của khoản vay và vì thế, bên cho vay thường đồng ý thỏa thuận một thời gian ân hạn để bên vay không phải thanh toán khoản nợ gốc trong thời hạn đó (thường là trong thời gian xây dựng cơ bản khi dự án chưa tạo ra doanh thu).

Ưu điểm của khoản tín dụng theo thời hạn là cung cấp cho bên vay một khoản vốn vay chắc chắn trong một khoản thời gian đã xác định. Tuy nhiên, nhược điểm là nó thiếu sự linh hoạt. Trong một số hợp đồng tín dụng, nếu bên vay không còn nhu cầu sử dụng vốn vay và muốn trả nợ trước hạn, bên vay phải đồng thời trả thêm một khoản phí trả nợ trước hạn.

b. Khoản tín dụng tuần hoàn:

Khoản tín dụng tuần hoàn thường chỉ được sử dụng cho các mục đích ngắn hạn và nhằm tạo điều kiện để bên vay có thể linh hoạt sử dụng vốn vay cho các nhu cầu vốn lưu động. Nhược điểm của khoản tín dụng này là thường chỉ được cung cấp với khoản tiền nhỏ và thời hạn vay ngắn. Ví dụ, một khoản vay tuần hoàn có thời hạn 3 tháng thì bên vay sẽ được sử dụng tiền vay trong 3 tháng và vẫn tiếp tục được sử dụng khoản tín dụng đó trong các kỳ 3 tháng kế tiếp. Tuy nhiên, bên cho vay có quyền yêu cầu phải hoàn trả khoản vay vào cuối mỗi kỳ 3 tháng theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng.

  1. MỤC ĐÍCH VAY

Các hợp đồng tín dụng luôn có điều khoản nêu rõ mục đích vay. Mục đích vay là căn cứ để bên cho vay cấp tín dụng và xác định rủi ro cấp tín dụng, thời hạn trả nợ lãi, trả nợ gốc.

Hợp đồng tín dụng thường quy định việc sử dụng tín dụng sai mục đích là một sự kiện vi phạm và bên cho vay được quyền thu hồi nợ trước hạn. Theo thông lệ quốc tế, bên cho vay luôn đưa vào hợp đồng tín dụng điều khoản rằng bên cho vay không có nghĩa vụ phải giám sát việc sử dụng vốn vay. Với điều khoản này, bên vay không thể lập luận rằng bên cho vay đã biết hoặc đã không giám sát việc sử dụng tiền vay nên việc sử dụng tiền vay sai mục đích không bị coi là vi phạm và bên cho vay không được thu nợ trước hạn vì lý do sử dụng vốn sai mục đích. Ví dụ:

Điều khoản

Bên Vay phải sử dụng từng Khoản Vay để cấp vốn cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh của mình, bao gồm, nhưng không giới hạn, việc cấp vốn để thanh toán cho/nhập khẩu máy móc và thiết bị và chi trả chi phí xây dựng nhà máy và phải tuân thủ quy định pháp luật.

Bên cho vay không bị buộc phải giám sát hoặc thẩm tra việc sử dụng bất kỳ Khoản Vay nào.

  1. RÚT VỐN

Điều khoản này quy định khi nào và làm thế nào để bên vay có thể rút vốn vay (được ngân hàng giải ngân khoản vay). Thông thường bên vay chỉ được rút vốn vay trong một thời hạn nhất định. Quá thời hạn này, các khoản tín dụng đã cam kết nhưng không được giải ngân sẽ tự động bị hủy bỏ.

Nếu muốn được giải ngân, bên vay thường phải cung cấp cho bên cho vay hoặc đại lý tín dụng một Giấy đề nghị giải ngân theo mẫu quy định trong hợp đồng tín dụng. Đề nghị giải ngân phải được bên vay ký và gửi tới bên cho vay (hoặc đại lý tín dụng) trước ngày dự định rút vốn để bên cho vay có đủ thời gian thu xếp khoản tiền vay. Thêm vào đó, bên vay còn phải cung cấp thêm giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng khoản vay này là phù hợp với hợp đồng tín dụng.

Bên cho vay chỉ đồng ý giải ngân sau khi đã xác định vào ngày giải ngân: Bên vay đã đáp ứng các điều kiện giải ngân (điều kiện tiên quyết); chưa phát sinh sự kiện vi phạm; các cam đoan và bảo đảm nêu trong hợp đồng tín dụng vẫn đúng và chính xác. Ví dụ, bên cho vay sẽ không cho giải ngân trong trường hợp một trong các giấy phép hành nghề của bên vay bị hết hạn và không được gia hạn.

Định nghĩa

Thời Hạn Rút Vốn nghĩa là thời hạn kể từ (và bao gồm) Ngày Ký Hợp Đồng đến (và bao gồm) ngày tròn 3 tháng sau Ngày Ký Hợp Đồng.

Đề Nghị Rút Khoản Vay nghĩa là một giấy đề nghị rút vốn do Bên Vay ký nhằm rút vốn một Khoản Vay, có nội dung cơ bản theo mẫu được quy định tại Phụ Lục.

Điều khoản

Bên Vay có thể rút vốn các Khoản Vay trong suốt Thời Hạn Rút Vốn sau khi Bên cho vay đã nhận được một Đề Nghị Rút Khoản Vay do Bên Vay ký hợp lệ chậm nhất là vào lúc 10:00 giờ sáng (theo giờ Việt Nam) một Ngày Làm Việc trước Ngày Rút Khoản Vay dự kiến. Sau khi đã gửi, Đề Nghị Rút Khoản Vay là không hủy ngang.