Giới hạn quyền, thời hạn bảo hộ và các chế tài về hành vi xâm phạm của luật sở hữu trí tuệ

Giới hạn quyền, thời hạn bảo hộ và các chế tài về hành vi xâm phạm của luật sở hữu trí tuệ

Luật sư quận Tân Bình tư vấn hổ trợ doanh nghiệp trong quá trình phát triển của quý công ty

Giới hạn quyền liên quan:

Tương tự như quyền tác giả, Điều 32 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định một số trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao như được tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học của cá nhân; nhằm mục đích giảng dạy; trích dẫn hợp lý nhằm mục đích cung cấp thông tin (nghĩa là trích dẫn nhằm giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề trong việc cung cấp thông tin); tổ chức phát sóng tự làm bản sao tạm thời để phát sóng khi được hưởng quyền phát sóng (bản sao tạm thời là bản định hình có thời hạn, do tổ chức phát sóng thực hiện bằng các phương tiện thiết bị của mình, nhằm phục vụ cho buổi phát sóng ngay sau đó của chính tổ chức phát sóng. Trong trường hợp đặc biệt thì bản sao đó được lưu trữ trong trung tâm lưu trữ chính thức). Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân khi sử dụng các quyền này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và không được gây phương hại đến quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

Thời hạn bảo hộ quyền liên quan:

Thời hạn bảo hộ quyền liên quan là 50 năm. Theo đó, đối với người biểu diễn là 50 năm tính từ năm tiếp theo năm cuộc biểu diễn được định hình; nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình là 50 năm được

tính từ năm tiếp theo năm công bố, hoặc 50 năm kể từ năm tiếp theo năm bản ghi âm, ghi hình được định hình nếu chưa công bố; đối với tổ chức phát sóng là 50 năm tính từ năm tiếp theo năm chương trình phát sóng được thực hiện.

Chế tài các hành vi xâm phạm

Điều 35 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định, các hành vi bị xem là xâm phạm đến quyền liên quan bao gồm:

-Chiếm đoạt quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng;

-Mạo danh người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng;

-Công bố, sản xuất và phân phối cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng;

-Sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào đối với cuộc biểu diễn gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn;

-Sao chép, trích ghép đối với cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng;

-Dỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan;

-Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền liên quan thực hiện để bảo vệ quyền liên quan của mình;

-Phát sóng, phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng cuộc biểu diễn, bản sao cuộc biểu diễn đã được định hình hoặc bản ghi âm, ghi hình khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử đã bị dỡ bỏ hoặc đã bị thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan;

-Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó giải mã trái phép một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa;

 -Cố ý thu hoặc tiếp tục phân phối một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa khi tín hiệu đã được giải mã mà không được phép của người phân phối hợp pháp.

Mọi hành vi xâm phạm đến các quyền liên quan đều là đối tượng để chủ thể bị xâm phạm có quyền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu tổ chức, cá nhân xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại. Việc xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không chỉ quy định về trách nhiệm dân sự 1 mà còn dự liệu chế tài đối với trách nhiệm hành chính hoặc hình sự.