Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bao gồm những gì ?

Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bao gồm những gì ?

Luật sư quận Tân Bình tư vấn hổ trợ doanh nghiệp trong quá trình phát triển của quý công ty

Hành vi xâm phạm quyền với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là hành vi: Sử dụng sáng chế được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó, thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc bất kỳ phần nào có tính nguyên gốc của thiết kế bố trí đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu, hoặc sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mà không trả tiền đền bù theo quy định tại Điều 131 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 về quyền tạm thời1.

Hành vi xâm phạm quyền với nhãn hiệu là hành vi sử dụng: Dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó; dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ đăng ký, nếu việc sử dụng có thể gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ; sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng2.

Tương tự, hành vi xâm phạm quyền với tên thương mại và chỉ dẫn địa lý được quy định tại Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005.

Hành vi xâm phạm quyền với bí mật kinh doanh là các hành vi tiếp cận, chiếm đoạt, bộc lộ trái phép bí mật kinh doanh theo Điều 127 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005. Dữ liệu thử nghiệm dược phẩm, nông hóa phẩm là một loại bí mật kinh doanh đặc biệt, được cung cấp cho cơ quan cấp phép kinh doanh nên được bảo hộ đặc biệt, tránh việc cơ quan đó bộc lộ và người nộp đơn xin cấp phép khác sử dụng chính dữ liệu đã nộp là cơ sở xin cấp phép sản phẩm3.

Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi được liệt kê tại khoản 2 và khoản 3 Điều 125 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 không bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh:

Tương tự với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhưng rộng hơn là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Phạm vi của hành vi cạnh tranh không lành mạnh không chỉ bao gồm việc sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ tương tự gây nhầm lẫn mà còn mở rộng ra việc sử dụng các chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn, bao gồm nhãn hiệu, tên thương mại, biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng bao bì của hàng hóa, nhãn hàng hóa và tên miền.

1. Điều 126 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005.
2. Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005.
3. Điều 128 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005.