Sở hữu trí tuệ – Quyền nhân thân

Sở hữu trí tuệ - quyền nhân thân

Luật sư quận Tân Bình tư vấn hổ trợ doanh nghiệp trong quá trình phát triển của quý công ty

Quyền nhân thân hay còn gọi là quyền tinh thần của tác giả là một quyền lợi phi tài sản và không thể chuyển nhượng. Quyền nhân thân của tác giả bao gồm quyền đặt tên, đứng tên trên tác phẩm, quyền công bố tác phẩm và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm1.

Quyền đặt tên tác phẩm và quyền đứng tên trên tác phẩm là quyền thể hiện sự tôn trọng danh tính của tác giả, là quyền của người sáng tạo kể từ lúc thai nghén cho đến lúc khai sinh ra tác phẩm, đồng thời thể hiện nguồn gốc của tác phẩm trước công chúng. Tuy nhiên, cần lưu ý quyền đặt tên tác phẩm không áp dụng đối với tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác2.Ngoài ra, tác giả còn có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, đây là quyền thể hiện sự tôn trọng tác phẩm. Tác giả được yêu cầu người phổ biến tác phẩm tuyệt đối không được sửa đổi về hình thức cũng như về nội dung của tác phẩm. Ví dụ, không được cắt xén, sửa đổi, xuyên tạc giai điệu hay ca từ của một ca khúc.

Hợp đồng chuyển giao quyền tác giả sẽ bị tuyên vô hiệu nếu có những điều khoản chuyển nhượng hay chuyển quyền sử dụng các quyền nhân thân được quy định tại khoản 1, 2 và 4 Điều 19 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005. Riêng đối với công bố tác phẩm, tác giả có quyền chuyển giao, cho phép người khác thực

hiện quyền này. Tác giả có toàn quyền quyết định thời gian và không gian phổ biến tác phẩm của mình ra công chúng, quy định này thể hiện quyền tự do cá nhân của tác giả. Trước khi công bố, tác phẩm là một phần không tách rời trong nhân thân của tác giả, song sau khi công bố nó sẽ trở thành một tài sản, các quyền lợi vật chất của tác giả cũng phát sinh từ đó. Nói cách khác, sự công bố tác phẩm làm phát sinh quyền lợi tài sản đối với tác giả.

Về phương diện pháp lý, khi một tác phẩm được chuyển nhượng cho người thứ ba, người này trở thành chủ sở hữu tác phẩm. Thực tế khi tác giả chuyển nhượng tác phẩm, có nghĩa tác giả đã có ý chí công bố, phổ biến tác phẩm của mình. Sau khi phổ biến, tác phẩm trở thành một tài sản, tài sản này đã được chuyển cho người thứ ba, do đó, người này có toàn quyền sử dụng và khai thác với điều kiện phải tôn trọng sự toàn vẹn của tác phẩm. Về bản chất, quyền phổ biến, công bố tác phẩm thật sự vẫn là của tác giả mà không hề được chuyển giao, người thứ ba chỉ thực hiện hoạt động phổ biến, công bố tác phẩm thông qua sự cho phép của tác giả. Người thứ ba sau khi mua tác phẩm (trở thành chủ sở hữu tác phẩm) thì việc cho hay không cho người khác sử dụng tác phẩm chỉ là việc thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản, chứ không phải là thực hiện quyền nhân thân. Tóm lại, chủ sở hữu quyền tác giả không đồng thời là tác giả và không có quyền nhân thân đối với tác phẩm.

1. Điều 19 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định các quyền nhân thân bao gồm: Đặt tên cho tác phẩm; Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; Bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
2. Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn Bộ luật Dân sự, Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2011/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2011, và bởi Nghị định số 01/2012/NĐ-CP ngày 4 tháng 1 năm 2012 (sau đây gọi tắt là Nghị định số 100/2006/NĐ-CP).