Bồi thường và phạt do chậm trễ thi công

Bồi thường và phạt do chậm trễ thi công

Luật sư quận Tân Bình nhận hổ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Trước đây, theo hệ thống pháp luật Việt Nam, quy định về bồi thường và phạt dường như đã quá rõ ràng và không có sự nhầm lẫn. Tuy nhiên, khi các quy định hướng dẫn về hợp đồng xây dựng trong thời gian gần đây được ban hành thì việc hiểu và áp dụng lại phát sinh nhiều vấn đề, cụ thể:

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, nếu nhà thầu vi phạm thời gian hoàn thành (không hoàn thành đúng hạn) thì có thể sẽ bị phạt, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm1.

1. Điều 146 Luật xây dựng năm 2014.

Chưa nói tới sự đa nghĩa của cụm từ “giá trị phần hợp đồng bị vi phạm”, quy định này vô hình trung làm cho các bên khi viện dẫn tới luật Việt Nam đã quy ước với nhau rằng việc áp dụng phạt là cần thiết và tách biệt với nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Đây là một sự tiếp cận không hợp lý, bởi có quá nhiều vấn đề mà nhà thầu có thể bị phạt do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng xây dựng, bao gồm tất cả các vấn đề về thời hạn, an toàn, chất lượng, v.v..

Ở chiều ngược lại, FIDIC đã ngầm ấn định trách nhiệm của nhà thầu khi chậm hoàn thành công việc là một trách nhiệm được quy kết theo mức thiệt hại dự kiến. Với cách tiếp cận này, FIDIC giải quyết hai vấn đề quan trọng: Thứ nhất, đó là không làm gia tăng một cách quá đáng nghĩa vụ của nhà thầu khi vi phạm nghĩa vụ hoàn thành; Thứ hai, hỗ trợ chủ đầu tư trong việc ước lượng thiệt hại do chậm trễ thi công. Việc xác định, đánh giá và cân nhắc giá trị chính xác của thiệt hại do việc chậm trễ thi công sẽ trở nên vô cùng khó khăn, phức tạp và nhiều trường hợp có thể sẽ có sự chênh lệch giữa giá trị mà chủ đầu tư ước tính, giá trị mà nhà thầu xét thấy phù hợp và giá trị mà cơ quan tài phán có thể cân nhắc. Việc tôn trọng ý kiến thỏa thuận của các bên đối với giá trị thiệt hại do chậm trễ phải được triệt để tuân thủ.

Ngoài ra, theo nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại hay tổn thất của pháp luật Việt Nam, trong nhiều trường hợp trách nhiệm của nhà thầu đối với chủ đầu tư có thể là không có giới hạn (do phải thực hiện bồi thường theo thiệt hại thực tế), tuy nhiên theo quy định chung của FIDIC thì tổng giới hạn này thông thường là toàn bộ giá trị hợp đồng được chấp thuận1.

1. FIDIC Red Book 1999, Yellow Book 1999 hoặc khoản 7 Điều 8 Silver Book 1999.