Luật sư ly hôn quận Tân Bình

Luật sư ly hôn quận Tân BÌnh

Điều kiện Tòa án thụ lý đơn ly hôn

Chủ thể khởi kiện

Đối với các vụ án về ly hôn thì chủ thể khởi kiện chỉ có thể là vợ, chồng mới có quyền khởi kiện vụ án, bởi nó gắn chặt với quan hệ hôn nhân và quyền nhõn thõn của họ mà không thể chuyển giao cho người khác. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử chúng ta cũng gặp những trường hợp do người vợ hoặc người chồng mất năng lực hành vi dân sự và bị người chồng hoặc người vợ ngược đãi, hành hạ. Rõ ràng trong trường hợp này một bên vi phạm nghĩa vụ nhân thân, mục đích của hôn nhân không đạt được thì cần thiết phải ly hôn. Nếu trường hợp người chồng không bị mất năng lực hành vi dân sự mà họ làm đơn yêu cầu được ly hôn với người vợ bị mất năng lực hành vi dân sự thì họ có quyền khởi kiện. Nhưng ngược lại người vợ bị mất năng lực hành vi dân sự thì người người đại diện theo pháp luật của họ có quyền khởi kiện vụ án ly hôn cho họ hay không thì hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, trong trường hợp này theo quan điểm chung thì người đại diện theo pháp luật của người mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự không có quyền đại diện cho họ khởi kiện vụ án ly hôn.

Đối với trường hợp người vợ đang có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không có quyền khởi kiện xin ly hôn ( khoản 2 Điều 85 BLTTDS); Đối với người có đơn yêu cầu xin ly hôn mà bị Toà án bác đơn xin ly hôn thì sau một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án bác đơn xin ly hôn có hiệu lực pháp luật, người đó mới lại được yêu cầu Toà án giải quyết việc xin ly hôn

Đối với các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình như trường hợp bản án, quyết định về ly hôn có giải quyết quan hệ về con, mức cấp dưỡng. Sau khi bản án, quyết định này có hiệu lực pháp luật, nếu điều kiện nuôi con, cấp dưỡng thay đổi, thì người bố hoặc mẹ có quyền khởi kiện tại Toà án để yêu cầu thay đổi người nuôi con, thay đổi về mức cấp dưỡng. Song có những loại tranh chấp về hôn nhân và gia đình chủ thể khởi kiện không nhất thiết phải là người vợ hoặc người chồng trong quan hệ hôn nhân mà có thể là các cơ quan, tổ chức xã hội khác cũng có quyền khởi kiện. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 162 BLTTDS thì cơ quan về dân số, gia đình và trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình trong trường hợp do Luật hôn nhân và gia đình quy định

+  Cơ quan về dân số – gia đình và trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ khởi kiện vụ án để yêu cầu Toà án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó theo quy định tại khoản 3 Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình;

+  Cơ quan về dân số – gia đình và trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ khởi kiện vụ án để yêu cầu Toà án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự quy định tại khoản 3 Điều 66 Luật Hôn nhân và Gia đình;

+  Cơ quan về dân số – gia đình và trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ khởi kiện vụ án để yêu cầu Toà án xác định con cho cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự quy định tại khoản 3 Điều 66 Luật Hôn nhân và Gia đình.

Một đặc trưng khác biệt về chủ thể có quyền khởi kiện vụ án ly hôn không đòi hỏi người khởi kiện phải đủ mười tám tuổi trở lên (người có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, trừ người mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi tố tụng dân sự) vẫn có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự bởi theo quy định tại Điều 9 của Luật Hôn nhân và Gia đình, thì nữ từ mười tám tuổi trở lên được kết hôn và theo hướng dẫn tại điểm a mục 1 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23-12-2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, thì nữ đã bước sang tuổi mười tám mà kết hôn là không vi phạm điều kiện về tuổi kết hôn; do đó, khi có yêu cầu Tòa án giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình thì họ có quyền tự mình tham gia tố tụng dân sự.

Như vậy, việc kiểm tra, xác định về điều kiện chủ thể có quyền khởi kiện trong vụ án ly hôn hoặc vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình khác hay không, Thẩm phán phải căn cứ vào giấy tờ tùy thân cũng như các loại giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người khởi kiện và các giấy tờ tài liệu khác có liên quan đến yêu cầu khởi kiện để chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp.

Thẩm quyền của Toà án

Xác định thẩm quyền giải quyết vụ án tranh chấp Hôn nhân và gia đình của Toà án là một trong những yêu cầu quan trọng khi kiểm tra điều kiện thụ lý vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình. Việc kiểm tra điều kiện thẩm quyền giải quyết vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình, Thẩm phán cần phải kiểm tra xác định rõ thẩm quyền theo loại việc, thẩm quyền theo cấp xét xử và thẩm quyền theo lãnh thổ, thẩm quyền theo sự lựa chọn của nguyên đơn. Khi kiểm tra điều kiện này, Thẩm phán cần phải căn cứ vào quy định của pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung.

Thứ nhất:  Thẩm quyền theo vụ việc

Theo quy định tại Điều 27 của BLTTDS thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình của Toà án gồm:

– Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.

– Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

– Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

– Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.

– Tranh chấp về cấp dưỡng.

– Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình mà pháp luật có quy định.

Việc xác định đúng thẩm quyền theo loại việc của Toà án có ý nghĩa rất quan trọng trong suốt quá trình giải quyết vụ án tại Toà án. Thẩm quyền theo vụ việc được xác định theo ý chí của các đương sự thể hiện trong đơn khởi kiện, tính chất của quan hệ hôn nhân và các đặc điểm của từng loại yêu cầu khởi kiện. Ví dụ yêu cầu giải quyết việc ly hôn do một bên yêu cầu thì đó là vụ án dân sự và chỉ được thụ lý và xem xét khi quan hệ hôn nhân đó là hợp pháp hoặc được coi là hợp pháp trong một số trường hợp cụ thể mà pháp luật có quy định. Khi kiểm tra đơn khởi kiện để xác định thẩm quyền theo vụ việc hôn nhân và gia đình cần chú ý về hình thức đơn khởi kiện có đúng quy định tại Điều 164 BLTTDS không? Nếu đơn khởi kiện về do một bên yêu cầu ký tên ở mục người khởi kiện mà không biết đương sự phía bên kia có đồng ý hay không thì phải xác định đó là vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình, còn cả 2 bên đương sự cùng ký tên người yêu cầu tòa án công nhận hay không công nhận một sự kiện pháp lý phát sinh từ quan hệ hôn nhân thì phải xác định đó là việc dân sự về hôn nhân và gia đình được quy định tại điều 28 BLTTDS.

Như vậy, yếu tố xác định về thẩm quyền theo vụ, việc phải xem xét loại việc mà đương sự yêu cầu giải quyết có tranh chấp hay không và có thuộc loại việc tranh chấp về hôn nhân và gia đình được quy định tại điều 27 BLTTDS hay không?

Thứ hai: Thẩm quyền của Toà án các cấp

Xác định thẩm quyền của tòa án nhân các cấp Thẩm phán cần căn cứ vào  quy định tại các Điều 33 và 34 của BLTTDS.  Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình gồm có Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Toà án nhân dân huyện, quận, thành phố, thị xã thuộc tỉnh. Theo quy định tại Điều 33 BLTTDS quy định thì các vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình được quy định tại diều 27 BLTTDS thuộc thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm của Toà án nhân dân cấp huyện. Tuy nhiên, những tranh chấp hôn nhân và gia đình mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện. Trường hợp này thuộc thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm của tòa án nhân dân cấp tỉnh. Để xác định thẩm quyền của Toà án cấp tỉnh và cấp huyện Thẩm phán cần căn cứ vào Điều 33, 34 của BLTTDS và hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP. Thẩm phán cũng cần lưu ý trường hợp mặc dù vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân cấp huyện quy định tại điều 33 BLTTDS nhưng tòa án cấp tỉnh vẫn có thể lấy lên để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm trong những trường hợp mà vụ án có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều cấp  mà tòa án cấp huyện nếu xét xử sẽ không thuận lợi.

Ngoài ra khi kiểm tra về điều kiện này, Thẩm phán cần lưu ý quy định riêng biệt tại khoản 3 Điều 102 Luật Hôn nhân và gia đình về thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện đối với các tranh chấp về ly hôn, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam. Khoản 3 điều 102 Luật hôn nhân gia đình quy định: “ Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ có yếu tố nước ngoài, xem xét việc công nhận hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của nước ngoài theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam”.

Việc Luật hôn nhân và gia đình quy định về thẩm quyền của tòa án theo cấp xét xử ở khu vực biên giới như vậy là đảm bảo tính đặc thù, dựa trên điều kiện về địa lý, phân bố dân cư và tập quán sinh hoạt giữa công dân Việt Nam và công dân của các nước láng giềng ở khu vực biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tiếp cận với tòa án.

Thứ 3: Thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ

Việc xác định đúng thẩm quyền giải quyết của tòa án theo lãnh thổ đối với các vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình theo thủ tục sơ thẩm của các tòa án cùng cấp là nhằm xác định tòa án địa phương nào có thẩm quyền giải quyết vụ án đó để đảm bảo sự hợp lý, đúng đắn và thuận lợi cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, kể cả việc thu thập chứng cứ của tòa án và sự tham gia tố tụng của các bên đương sự trong một số trường hợp vụ án có thể thuộc thẩm quyền của tòa án cùng cấp ở các địa phương khác nhau.

Để xác định thẩm quyền giải quyết của Toà án theo lãnh thổ về nguyên tắc phải căn cứ vào Điều 35, 36 của BLTTDS và hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP. Đối với các vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình nói chung thì Toà án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc. Trong trường hợp bị đơn cư trú ở một nơi nhưng làm việc ở một nơi thì phải xác định thẩm quyền giải quyết của tòa án là nơi bị đơn cư trú. Trong một số trường hợp bị đơn ở một nơi, hộ khẩu một nơi, làm việc một nơi thậm chí có trường hợp tạm trú một nơi nên việc xác định thẩm quyền của tòa án cũng gặp khó khăn. Trường hợp này chúng ta phải căn cứ vào điều 52 BLDS để xác định là nơi cư trú là nơi người đó thường xuyên sinh sống. Trong trường hợp không xác định được nơi người đó thường xuyên sinh sống thì nơi cư trú là nơi người đó đang sống để từ đó xác định thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ được chính xác.

Thứ tư: Thẩm quyền của tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn

Xác định thẩm quyền theo sự lựa chọn của nguyên đơn trong vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình là trường hợp mà pháp luật quy định khi điều kiện đó xảy ra thì nguyên đơn có quyền lựa chọn Tũa ỏn giải quyết. Theo quy định tại điểm a, c khoản 1 điều 36 của BLTTDS và hướng dẫn tại nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP thì trong trường hợp:

– Nếu không biết nơi cư trú, làm việc của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết.

– Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết.

Như vậy, nguyên đơn có quyền lựa chọn nhiều tòa án để giải quyết vụ án thì khi nguyên đơn nộp đơn khởi kiện, tòa án giải thích cho đương sự biết họ chỉ có quyền lựa chọn một trong các tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Đồng thời tòa án yêu cầu họ cam kết trong đơn khởi kiện hoặc đơn yêu cầu không yêu cầu tòa án khác giải quyết. Văn bản này phải được nộp cho Toà án cùng với đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ khác để làm căn cứ xác định thẩm quyền theo lãnh thổ của Toà án.

Trong một số trường hợp nguyên đơn xin ly hôn có đơn khởi kiện ở nhiều tòa án khác nhau theo sự lựa chọn của mình thì tòa án nơi nguyên đơn khởi kiện ban đầu đã thụ lý thì có thẩm quyền giải quyết. Trong trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu nộp đơn khởi kiện, nộp đơn yêu cầu tại nhiều Tòa án khác nhau được điều luật quy định, thì Tòa án đã thụ lý đầu tiên theo thời gian có thẩm quyền giải quyết. Các Tòa án khác, nếu chưa thụ lý thì căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 168 của BLTTDS trả lại đơn khởi kiện cho nguyên đơn, nếu đã thụ lý thì căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 168 và điểm i khoản 1 Điều 192 của BLTTDS ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, xóa tên vụ án đó đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu cùng tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự. Nếu đương sự đã nộp tiền tạm ứng án phí, thì Tòa án căn cứ vào khoản 3 Điều 193 của BLTTDS trả lại tiền tạm ứng án phí cho người đã nộp.

Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A chung sống với bà Nguyễn Thị B năm 1985 ở TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đã có 1 người con và tài sản tạo dựng được là khối bất động sản ở TP Bắc Ninh. Sau đó ông A kết hôn với bà Dương Thị C và ở tại Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, sinh được 2 người con và mua được căn hộ tại quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội bằng số tiền chung của ông A và bà B. Bà B biết được quan hệ này nên đã làm đơn xin ly hôn ông A, yêu cầu chia tài sản chung là bất động sản tại TP Bắc Ninh và tài sản là căn hộ tại quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội nhưng không biết ông A hiện ở đâu nên theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 36 BLTTDS thì bà B có quyền lựa chọn để khởi kiện xin ly hôn ông A tại Tòa án nhân dân nơi ông A cư trú cuối cùng là Tòa án quận Cầu giấy, TP Hà Nội hoặc tòa án nơi ông A có tài sản là bất động sản ở TP Bắc Ninh hoặc Tòa án quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội và bà B chỉ được lựa chọn khởi kiện xin ly hôn ông A tại 1 trong 3 tòa án nhân dân như trên để giải quyết. Tòa án nào đã thụ lý vụ án ly hôn nêu trên đầu tiên thì thuộc thẩm quyền giải quyết vụ án của tòa án đó.

Xác định điều kiện về nộp tiền tạm ứng án phí trừ trường hợp được miễn nộp toàn bộ tiền án phí hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí

Tạm ứng án phí là khoản tiền mà người khởi kiện có nghĩa vụ phải nộp để Toà án thụ lý giải quyết vụ án. Toà án chỉ thụ lý vụ án khi người khởi kiện xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng án phí. Sau khi kiểm tra các điều kiện thụ lý vụ án xét thấy đương sự đáp ứng được đầy đủ thì Thẩm phán tiến hành thông báo nộp tạm ứng án phí sơ thẩm cho người khởi kiện biết, trừ trường hợp họ được miễn nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định.

Trong các tranh chấp về Hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 27 BLTTDS thì chỉ có trường hợp người yêu cầu về cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự là được miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí (khoản 3 Điều 11 Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án); mức nộp tạm ứng án phí trong các tranh chấp về Hôn nhân và gia đình thường là loại không có giá ngạch, còn nếu có tranh chấp về tài sản thì ngoài việc phải nộp tạm ứng án phí không có giá ngạch thì đương sự còn phải nộp tạm ứng án phí đối với giá trị tài sản tranh chấp theo loại có giá ngạch. Mẫu thông báo nộp tạm ứng án phí theo mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP.

Tòa án dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo của Toà án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí. Trừ trường hợp có trở ngại khách quan hoặc bất khả kháng thì thời gian do có trở ngại khách quan hoặc bất khả kháng không tính vào thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí. Ví dụ: do ốm đau, tai nạn phải điều trị tại bệnh viện…

Trong thời hạn này mà mà người khởi kiện không nộp biên lai nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán cần lưu ý nội dung hướng dẫn tại Điều 10 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP như sau: phải ấn định cho người khởi kiện trong thời hạn 07 ngày, người khởi kiện phải nộp cho Toà án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí, hết thời hạn này người khởi kiện mới nộp cho Toà án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí thì tuỳ từng trường hợp mà xử lý như sau: tiến hành thụ lý vụ án đối với trường hợp chưa trả lại đơn khởi kiện; trường hợp đã trả lại đơn khởi kiện thì yêu cầu họ nộp lại đơn khởi kiện và tiến hành vào sổ thụ lý vụ án. Hết thời hạn 07 ngày mà người khởi kiện không nộp cho Toà án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho họ biết về việc không thụ lý vụ án.

Thẩm phán cần lưu ý trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí (miễn một phần hoặc toàn bộ) phải có đơn đề nghị đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 15 Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án. Đơn đề nghị miễn nộp một phần hoặc toàn bộ tiền tạm ứng án phí phải có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi người khởi kiện cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người khởi kiện làm việc.

Ngoài ra trong quá trình kiểm tra các điều kiện về thụ lý vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình như trên, Thẩm phán cần phải có kỹ năng xem xét trả lại đơn khởi kiện và các chứng cứ kèm theo được quy định tại điều 168 BLTTDS và hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP quy định thủ tục trả lại đơn khởi kiện cho đương sự. Toà án thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện biết ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện (mẫu trả lại đơn khởi kiện theo mẫu số 03 kèm theo Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP.

Đương sự có quyền khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo do tòa án trả lại và trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Toà án phải giải quyết khiếu nại, kiến nghị, người khởi kiện có quyền khiếu nại tiếp theo và Viện kiểm sát có quyền kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện của Toà án. Trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Toà án cấp trên trực tiếp giải quyết. Thủ tục giải quyết khiếu nại, kiến nghị được quy định tại khoản 4 điều 170 của BLTTDS. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án Toà án cấp trên trực tiếp là quyết định cuối cùng.