Về việc tư vấn và hỗ trợ cho pháp nhân khi bị cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp cưỡng chế

Kê biên nhà

Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho pháp nhân khi bị cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp cưỡng chế

Do phạm vi áp dụng các tội danh đối với pháp nhân thương mại phạm tội chủ yếu trong các lĩnh vực trật tự quản lý kinh tế, môi trường, v.v., nên hình phạt hay biện pháp tư pháp chủ yếu nhằm bảo đảm khả năng khắc phục hậu quả của vụ án hoặc hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Vì thế, trong quá trình tố tụng, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế sau đây đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, bao gồm:

Một là, kê biên tài sản liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân (Điều 437 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Kê biên tài sản áp dụng đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại. Dó đó, Luật sư cần trợ giúp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân kiểm tra xem xét việc kê biên phần tài sản có tương ứng với mức có thể bị tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại hay không. Cần lưu ý và giải thích rõ, tài sản bị kê biên được giao cho người đứng đầu pháp nhân có trách nhiệm bảo quản; nếu để xảy ra việc tiêu dùng, sử dụng trái phép, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại tài sản bị kê biên thì người này phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Khi kê biên tài sản của pháp nhân bắt buộc phải có mặt những người sau đây: (a) Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; (b) Đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi pháp nhân có tài sản bị kê biên; (c) Người chứng kiến. Ngoài ra, nếu pháp nhân có yêu cầu, Luật sư có thể có mặt theo diện người chứng kiến.

Hai là, phong tỏa tài khoản của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân (Điều 438 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Phong tỏa tài khoản áp dụng đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại và có căn cứ xác định pháp nhân đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước. Tuy nhiên, các Luật sư cần lưu ý là việc phong tỏa tài khoản cũng được áp dụng đối với tài khoản của cá nhân, tổ chức khác nếu có căn cứ xác định số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân và chỉ phong tỏa số tiền trong tài khoản tương ứng với mức có thể phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại. Về thủ tục, cơ quan có thẩm quyền phong tỏa tài khoản phải giao quyết định phong tỏa tài khoản cho đại diện tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước đang quản lý tài khoản của pháp nhân hoặc tài khoản của cá nhân, tổ chức khác liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân.

Ba là, tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân và buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án (Điều 439 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Quyết định tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân chỉ áp dụng khi có căn cứ xác định hành vi phạm tội của pháp nhân gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, môi trường hoặc trật tự, an toàn xã hội. Người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quyền ra quyết định tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân và phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Thời hạn tạm đình chỉ hoạt động của pháp nhân không được quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Thời hạn tạm đình chỉ đối với pháp nhân bị kết án không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm pháp nhân chấp hành án.

Về quyết định buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án áp dụng đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại. Pháp nhân sẽ chỉ buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án tương ứng với mức có thể bị phạt tiền hoặc để bồi thường thiệt hại. Người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quyền ra quyết định buộc pháp nhân phải nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án và phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.