Ngày 01/01/2018, Luật Du lịch 2017 chính thức có hiệu lực có nhiều quy định mới so với Luật Du lịch năm 2005. Đặc biệt là các điều kiện và thủ tục liên quan đến thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Hơn 10 năm hoạt động,VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TRẦN TOÀN THẮNG tự hào là hãng luật có uy tín và năng lực hàng đầu trong lĩnh vực xin cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế cũng như tư vấn các thủ tục pháp lý phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh của hàng ngàn doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trên khắp các tỉnh thành đất nước. Chúng tôi thường xuyên cập nhật các quy định pháp luật, các thủ tục pháp lý liên quan để hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình cấp phép, hoạt động và kinh doanh lữ hành.
Nhận thấy năm 2020 sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế thành lập, VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TRẦN TOÀN THẮNG tư vấn những vấn đề pháp lý liên quan cơ bản về lĩnh vực này như sau:
Điều kiện đối với Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp muốn thực hiện hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Chỉ khi được Tổng Cục du lịch cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế thì doanh nghiệp mới có thể hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế một cách hợp pháp.
Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế chỉ cấp cho các doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật hiện hành và có đăng ký kinh doanh ngành nghề: Điều hành tua du lịch: Kinh doanh lữ hành quốc tế.
Lưu ý:
Về ngành nghề khi doanh nghiệp muốn thực hiện thủ tục Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế:
Doanh nghiệp thực hiện thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (hoặc dữ liệu đăng ký ngành nghề trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp phải có ngành nghề: Mã ngành 7912: Điều hành tua du lịch: Kinh doanh lữ hành nội địa, lữ hành quốc tế. Trường hợp doanh nghiệp chưa có mã ngành 7912 trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì cần phải bổ sung ngành nghề này mới thực hiện được thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.
Phạm vi kinh doanh lữ hành quốc tế
Công ty có vốn Việt Nam khi được cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế được thực hiện:
- Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài.
- Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và dịch vụ lữ hành nội địa.
Lưu ý:
- Khi doanh nghiệp được phép chỉ hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa thì trong mọi trường hợp không được kinh doanh lữ hành quốc tế.
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Điều kiện kinh doanh lữ hành quốc tế năm 2020
- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
- Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành. Trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải học và thi cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế. Hiện chưa có Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Du lịch. Tuy nhiên, theo Thông tư 06/2017 ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thì các bằng cấp đào tạo sau được coi là chuyên ngành về lữ hành:
- Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;
- Quản trị lữ hành;
- Điều hành tour du lịch;
- Marketing du lịch;
- Du lịch;
- Du lịch lữ hành;
- Quản lý và kinh doanh du lịch.
- Quản trị du lịch MICE
- Đại lý lữ hành
- Hướng dẫn du lịch
- Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành’, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở giáo dục ở Việt Nam đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực.
- Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở đào tạo nước ngoài đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp.
Trường hợp bằng tốt nghiệp không thể hiện các ngành, nghề, chuyên ngành quy định tại điểm l và điểm m khoản này thì bổ sung bảng điểm tốt nghiệp hoặc phụ lục văn bằng thể hiện ngành, nghề, chuyên ngành, trong đó có một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch”.
Trường hợp người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế không học các chuyên ngành nêu trên thì phải tham gia các khóa học đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế gồm các nội dung đào tạo như sau:
- Kiến thức cơ sở ngành: hệ thống chính trị Việt Nam; các văn bản pháp luật liên quan đến du lịch; tổng quan du lịch; marketing du lịch; tâm lý khách du lịch và nghệ thuật giao tiếp; giao lưu văn hóa quốc tế;
- Kiến thức chuyên ngành và nghiệp vụ điều hành du lịch: tổng quan về doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành; thị trường du lịch và sản phẩm du lịch; thiết kế sản phẩm và tính giá chương trình du lịch; khu du lịch, điểm du lịch Việt Nam; nghiệp vụ điều hành du lịch; bán hàng và chăm sóc khách hàng; marketing và truyền thông; tiền tệ và thanh toán quốc tế trong du lịch; nghiệp vụ xuất nhập cảnh; thủ tục vận chuyển hàng không nội địa và quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và phát triển doanh nghiệp;
- Thực hành nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.
- Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại ngân hàng.
Mức ký quỹ
Mức ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế: Theo quy định tại Nghị định 168/2017/NĐ – CP hướng dẫn chi tiết Luật Du lịch 2017 quy định như sau:
- Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 250.000.000 (hai trăm năm mươi triệu) đồng;
- Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng;
- Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng.
- Trường hợp chỉ kinh doanh lữ hành nội địa thì mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: 100.000.000 (một trăm triệu) đồng.
- Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam và được hưởng lãi suất theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ phù hợp với quy định của pháp luật. Tiền ký quỹ phải được duy trì trong suốt thời gian doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Nộp tiền ký quỹ và cấp Giấy chứng nhận tiền ký quỹ
- Khi doanh nghiệp có yêu cầu nộp tiền ký quỹ vào tài khoản tại ngân hàng, ngân hàng nhận ký quỹ và doanh nghiệp thực hiện giao kết hợp đồng ký quỹ. Trên cơ sở hợp đồng ký quỹ, ngân hàng nhận ký quỹ thực hiện phong tỏa số tiền ký quỹ của doanh nghiệp gửi tại ngân hàng.
- Hợp đồng ký quỹ có các nội dung chính gồm: Tên, địa chỉ, người đại diện của doanh nghiệp; tên, địa chỉ, người đại diện của ngân hàng; lý do nộp tiền ký quỹ; số tiền ký quỹ; lãi suất tiền gửi ký quỹ; trả lãi tiền gửi ký quỹ; sử dụng tiền ký quỹ; rút tiền ký quỹ; hoàn trả tiền ký quỹ; trách nhiệm của các bên liên quan và các thỏa thuận khác phù hợp với quy định của pháp luật và không trái với quy định pháp luật.
- Sau khi phong tỏa số tiền ký quỹ, ngân hàng nhận ký quỹ cấp Giấy chứng nhận tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành cho doanh nghiệp theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.
Quản lý, sử dụng tiền ký quỹ
- Trong trường hợp khách du lịch bị chết, bị tai nạn, rủi ro, bị xâm hại tính mạng cần phải đưa về nơi cư trú hoặc điều trị khẩn cấp mà doanh nghiệp không có khả năng bố trí kinh phí để giải quyết kịp thời, doanh nghiệp gửi đề nghị giải tỏa tạm thời tiền ký quỹ đến cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Trong thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm nhận được đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành xem xét và đề nghị ngân hàng cho doanh nghiệp trích tài khoản tiền ký quỹ để sử dụng hoặc từ chối.
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiền được rút khỏi tài khoản tiền ký quỹ, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành có trách nhiệm bổ sung số tiền ký quỹ đã sử dụng để bảo đảm mức ký quỹ theo quy định tại Điều 14 Nghị định 168/2017/NĐ -CP. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện, ngân hàng gửi văn bản thông báo cho cơ quan cấp phép để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
- Doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị hoàn trả tiền ký quỹ đến ngân hàng trong những trường hợp sau đây:
- Có thông báo bằng văn bản của cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành về việc doanh nghiệp không được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc thay đổi ngân hàng nhận ký quỹ;
- Có văn bản của cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành về việc hoàn trả tiền ký quỹ sau khi thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Lưu ý:
Về việc thỏa thuận lãi suất tiền ký quỹ lữ hành: Theo như chúng tôi cập nhật hiện nay, các ngân hàng nhận ký quỹ của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế thường áp dụng thỏa thuận mức lãi suất theo năm với khoản ký quỹ này của doanh nghiệp. Các ngân hàng có nghiệp vụ ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế tương đối chuyên nghiệp là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng An Bình,…
Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:
Doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong các trường hợp sau đây:
- Chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, giải thể hoặc phá sản;
Đối với các trường hợp bị thu Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế sau chỉ được nộp lại thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế sau 06 tháng kể từ ngày có quyết định thu hồi có hiệu lực. Cụ thể là:
- Không đáp ứng một trong các điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quy định;
- Không đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định cụ thể các doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trước ngày 01/01/2018 chậm nhất đến ngày 31/12/2018 phải thực hiện thủ tục đổi Giấy phép lữ hành quốc tế theo quy định của Luật du lịch năm 2017;
Đối với các trường hợp bị thu Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế sau chỉ được nộp lại thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế sau 12 tháng kể từ ngày có quyết định thu hồi có hiệu lực. Cụ thể là:
- Làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh;
- Lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam trái pháp luật;
- Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh;
- Không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ: Áp dụng biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch; kịp thời thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tai nạn, rủi ro xảy ra hậu quả gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch;
- Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế;
- Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;
- Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;
- Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quy định;
- Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế
- Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế nộp 01 bộ hồ sơ đến Tổng cục Du lịch;
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Du lịch thẩm định, cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế cho doanh nghiệp và thông báo cho cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Lưu ý:
Theo quy định tại khỏa 1 Điều 78 Luật Du lịch 2017 Doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành không phải làm thủ tục đổi giấy phép, nhưng phải bảo đảm đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Như vậy đến trước ngày 31/12/2018, các doanh nghiệp được cấp giấy phép lữ hành trước ngày 01/01/2018 đang hoạt động kinh doanh lữ hành sẽ phải đăng ký lại phạm vi kinh doanh lữ hành và bổ sung đầy đủ các điều kiện kinh doanh lữ hành.
Dịch vụ tư vấn cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế của VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TRẦN TOÀN THẮNG
- Tư vấn điều kiện đăng ký cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế;
- Tư vấn chuẩn bị hồ sơ, thông tin để hoàn thiện hồ sơ thủ tục cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế;
- Soạn thảo hồ sơ, phương án kinh doanh xin cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế;
- Thay mặt doanh nghiệp làm các thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế;
- Trao đổi, cung cấp thông tin cho khách hàng trong tiến trình cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế;
- Nhận và giao lại cho khách hàng Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế;
- Tư vấn đổi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế;
- Tư vấn đăng ký lại phạm vi kinh doanh giấy phép lữ hành quốc tế;
- Thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của Doanh nghiệp du lịch Việt Nam ở nước ngoài
- Thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam;
- Tư vấn các thủ tục pháp lý sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế;Tư vấn các vấn đề pháp lý phát sinh liên quan đến hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế của doanh nghiệp.