Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn 

Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn

Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng bào chữa bị can, bị cáo phạm tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn 

Điều 204. Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn 

1. Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường bộ rõ ràng không đảm bảo an toàn kỹ thuật gây thiệt hại cho tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười  năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Định Nghĩa: Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn là hành vi của người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường bộ rõ ràng không đảm bảo an toàn kỹ thuật gây thiệt hại cho tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác.

Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn là tội được tách từ tội “đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông vận tải không bảo đảm an toàn hoặc điều động người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông vận tải gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 188 Bộ luật hình sự năm 1985. Hành vi điều động người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông vận tải gây hậu quả nghiêm trọng được cấu tạo thành tội “điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ” quy định tại Điều 205 Bộ luật hình sự 1999 (Điều 23 BLHS 2015)

So với Điều 188 Bộ luật hình sự năm 1985, thì Điều 204 Bộ luật hình sự năm 1999 không có nhiều sửa đổi, bổ sung lớn, chủ yếu cấu tạo lại cho phù hợp với tên tội. Bỏ hình phạt cảnh cáo và thêm hình phạt tiền là hình phạt chính; bổ sung tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng” là yếu tố định khung hình phạt; tăng hình phạt cải tạo không giam giữ lên tới ba năm và hình phạt bổ sung được quy định ngay trong điều luật.

CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ những người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật về phương tiện giao thông đường bộ mới là chủ thể của tội phạm này.

Người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động phương tiện giao thông đường bộ là người có chức vụ, quyền hạn và có chức vụ, quyền hạn nên có quyền điều động phương tiện giao thông đường bộ hoặc tuy không có chức vụ, quyền hạn nhưng do tính chất nghề nghiệp nên có trách nhiệm trong việc điều động phương tiện giao thông đường bộ như: Giám đốc xí nghiệp vận tải, Giám đốc xí nghiệp xe khách, Chủ các doanh nghiệp vận tải, Chủ sở hữu phương tiện giao thông vận tải v.v..

Người chịu trách nhiệm trực tiếp về tình trạng kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ là người theo pháp luật họ có trách nhiệm về kiểm tra tình trạng kỹ thuật các phương tiện giao thông đường bộ như: Cán bộ, nhân viên kiểm định kỹ thuật phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì tội phạm này là tội phạm được thực hiện do vô ý và không có trường hợp nào là tội đặc biệt nghiêm trọng.

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm này là trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Đối tượng tác động của tội phạm này là phương tiện giao thông đường bộ bao gồm: Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ, nhưng chủ yếu là phương tiện giao thông cơ giới đương bộ. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô, máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự, kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật. Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ gồm các loại xe không di chuyển bằng sức động cơ như xe đạp, xe xích lô, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

a. Hành vi khách quan

Người phạm tội này, có thể thực hiện một trong hai hành vi sau, tuỳ thuộc vào trách nhiệm của họ về phương tiện giao thông:

– Nếu là người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động phương tiện giao thông đường bộ thì hành vi khách quan của họ là hành vi điều động phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn. Ví dụ: Xe không bảo đảm an toàn, lốp xe sắp vỡ, phanh (thắng) không ăn, nhưng vì muốn vận chuyển hàng cho kịp thời gian, nên Giám đốc xí nghiệp vận tải vẫn điều động lái xe chở hàng. Trên đường vận chuyển hàng thì bị tai nạn làm chết người và hư hỏng tài sản.

Nếu là người chịu trách nhiệm trực tiếp về tình trạng kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ, thì hành vi khách quan của họ là chứng nhận không đúng về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông đường bộ. Ví dụ: Bùi Văn T là cán bộ đăng kiểm biết rõ xe của Đào Xuân L không bảo đảm an toàn, nhưng vẫn chứng nhận là xe bảo đảm các thông số kỹ thuật và cho phép lưu hành. Khi Bùi Xuân L gây tai nạn mới phát hiện xe của L không bảo đảm an toàn nên mới gây ra tai nạn.

b. Hậu quả

Cũng như đối với tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn mà chưa gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm.

Việc xác định thiệt hại cũng tương tự như đối với tội vi phạm các quy định tại các Điều 202, 203 Bộ luật hình sự 1999 (Điều 260 và Điều 261 BLHS 2015).

Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật.

c. Các dấu hiệu khách quan khác

Ngoài hành vi khách quan, đối với tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường bộ rõ ràng không bảo đảm an toàn, nhà làm luật quy định một số dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm như: Tình trạng kỹ thuật của các phương tiện giao thông đường bộ như: Các thiệt bị, độ an toàn về kỹ thuật, các thông số kỹ thuật theo quy định của các phương tiện.

Các dấu hiệu khách quan này một số được quy định tại Luật giao thông đường bộ, một số được quy định tại các văn bản khác về các thông số kỹ thuật do các cơ quan chuyên môn ban hành.

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

Cũng như đối với tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người thực hiện hành vi đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường bộ rõ ràng không bảo đảm an toàn là do vô ý (vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả, nhưng chủ yếu là vô ý vì quá tự tin).

Mặc dù điều văn của điều luật quy định “cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường bộ rõ ràng không bảo đảm an toàn kỹ thuật”, nhưng không vì thế mà cho rằng người thực hiện hành vi phạm tội này là do cố ý. Khi người phạm tội cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường bộ, họ biết rõ là không bảo đảm an toàn kỹ thuật, nhưng vẫn cho phép là cố ý về hành vi nhưng họ tin rằng hậu quả không xảy ra hoặc có thể khắc phục được, nên lỗi của người phạm tội vẫn là lỗi vô ý.

Người phạm tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường bộ rõ ràng không bảo đảm an toàn có thể vì động cơ khác nhau nhưng không có mục đích, vì lỗi của người phạm tội là do vô ý nên không thể có mục đích. Nếu người phạm tội nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường bộ rõ ràng không bảo đảm an toàn kỹ thuật gây thiệt hại đến tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khoẻ, tài sản của người khác, thì ngoài tội “đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn”, họ còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “nhận hối lộ” quy định tại Điều 279 Bộ luật hình sự 1999 (Điều 354 BLHS 2015).