Tội cản trở giao thông đường bộ 

Tội cản trở giao thông đường bộ

Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng bào chữa bị can, bị cáo phạm tội cản trở giao thông đường bộ 

Điều 203.Tội cản trở giao thông đường bộ 

1. Người nào có một trong các hành vi sau đây cản trở giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của  người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Đào, khoan, xẻ trái phép các công trình giao thông đường bộ;

b) Đặt trái phép chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường bộ;

c) Tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá huỷ biển báo hiệu, các thiết bị an toàn giao thông đường bộ;

d) Mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có giải phân cách;

đ) Lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường;

e) Lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ;

g) Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ;

h) Hành vi khác gây cản trở giao thông đường bộ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Tại các đèo, dốc và đoạn đường nguy hiểm;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến  hai mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Định nghĩa: Cản trở giao thông đường bộ là hành vi đào, khoan, xẻ trái phép các công trình giao thông đường bộ; đặt trái phép chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá huỷ biển báo hiệu, các thiết bị an toàn giao thông đường bộ; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có giải phân cách; lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường; lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ; vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ và cac hành vi khác gây cản trở giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của  người khác.

Tội cản trở giao thông đường bộ là tội phạm được tách từ tội cản trở giao thông vận tải gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 187 Bộ luật hình sự năm 1985.

So với Điều 187 Bộ luật hình sự năm 1985, thì Điều 203 Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều sửa đổi, bổ sung như:

– Quy định cụ thể hành vi phạm tội là hành vi cản trở giao thông đường bộ chứ không phải hành vi cản trở giao thông vận tải chung chung như Điều 187 Bộ luật hình sự năm 1985;

– Sửa đổi tình tiết gây thiệt hại đến sức khoẻ thành “gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khoẻ”; tình tiết “đào, phá các công trình giao thông” thành “đào, khoan, xẻ trái phép các công trình giao thông đường bộ”; tình tiết “di chuyển, phá huỷ biển báo hiệu hoặc các thiệt bị giao thông” thành “tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá huỷ biển báo hiệu, các thiết bị an toàn giao thông đường bộ”;

– Bổ sung một số hành vi là dấu hiệu khách quan của tội phạm mà Điều 187 Bộ luật hình sự năm 1985 chưa quy định như: “mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có giải phân cách; lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường; lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ; vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ”.

– Bổ sung khoản 2 của điều luật với các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt như: Phạm tội  tại các đèo, dốc và đoạn đường nguy hiểm; Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Bổ sung hình phạt tiền là hình phạt chính đối với người phạm tội; tăng hình phạt cải tạo không giam giữ lên đến hai năm.

CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, nhưng chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội phạm này.

Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì tội phạm này là tội phạm được thực hiện do vô ý và không có trường hợp nào là tội đặc biệt nghiêm trọng.

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm này là an toàn giao thông đường bộ.

Đối tượng tác động của tội phạm này là Công trình giao thông đường bộ. Công trình đường bộ gồm đường bộ, nơi dừng xe, đỗ xe trên đường, hệ thống thoát nước, đèn tín hiệu, cọc tiêu, biển báo hiệu, dải phân cách và công trình, thiết bị phụ trợ khác.

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

a. Hành vi khách quan

Người phạm tội này, có thể thực hiện một hoặc một số hành vi sau:

– Đào, khoan, xẻ trái phép các công trình giao thông đường bộ;

– Đặt trái phép chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường bộ;

– Tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá huỷ biển báo hiệu, các thiết bị an toàn giao thông đường bộ;

–  Mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có giải phân cách;

–  Lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường;

–  Lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ;

– Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ;

–  Hành vi khác gây cản trở giao thông đường bộ.

So với Điều 187 Bộ luật hình sự năm 1985, thì Điều 203 Bộ luật hình sự năm 1999 nhà làm luật quy định nhiều hành vi khách quan cụ thể hơn, nhưng cũng không phải đã hết tất cả các hành vi cản trở giao thông đường bộ, nên cuối cùng vẫn còn quy định “hành vi khác gây cản trở giao thông đường bộ” để đề phòng ngoài những hành vi đã được liệt kê có thể còn những hành vi khác mà nhà làm luật không dự liệu được.

Các hành vi được liệt kê trên đều đã được quy định tại Luật Giao thông đường bộ. Ví dụ: Điều 8 Luật Giao thông đường bộ quy định nghiêm cấm: Phá hoại công trình đường bộ; đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để các chướng ngại vật trái phép trên đường; mở đường trái phép; lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình báo hiệu đường b; dử dụng lòng đường, hè phố trái phép.

So với Điều 187 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 1 Điều 203 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định thêm một số hành vi khách quan mới như: “mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có giải phân cách; lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường; lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ; vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ”. Nhưng không vì thế mà cho rằng người thực hiện các hành vi này trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000, mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới xử lý thì không bị coi là hành vi cản trở giao thông đường bộ, bởi lẽ, khoản 1 Điều 186 Bộ luật hình sự năm 1985 ngoài những hành vi cụ thể đã được miêu tả trong cấu thành, nhà làm luật còn quy định: “có hành vi khác cản trở giao thông vận tải” (điểm c khoản 1), nên các hành vi mà nhà làm luật quy định mới trong cấu thành tội phạm chính là “hành vi khác”. Do đó không coi dó là những hành vi phạm tội mới được quy định trong cấu thành, mà nó chỉ là cụ thể hoá hành vi phạm tội mà thôi.

b. Hậu quả

Cũng như đối với tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi cản trở giao thông đường bộ mà chưa gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật.

Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 hoặc khoản 3 của điều luật.

c. Các dấu hiệu khách quan khác

Ngoài hành vi khách quan, đối với tội cản trở giao thông đường bộ, nhà làm luật quy định một số dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm như: Công trình giao thông đường bộ; biển báo hiệu; các thiết bị an toàn giao thông đường bộ; đường giao cắt, đường có giải phân cách; vỉa hè, lòng đường, hành lang bảo vệ đường bộ; thi công trên đường bộ.

Việc xác định các dấu hiệu khách quan này là rất quan trọng, là dấu hiệu để phân biệt giữa tội phạm này với các tội khác. Ví dụ: Nếu đào, khoan, xẻ trái phép các công trình quan trọng về an ninh quốc gia thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia theo Điều 231 Bộ luật hình sự 1999 (Điều 303 BLHS 2015)

Các dấu hiệu khách quan này cũng được quy định tại Luật giao thông đường bộ. Ví dụ: Khoản 2 Điều 3 Luật giao thông đường bộ quy định: “Công trình đường bộ gồm đường bộ, nơi dừng xe, đỗ xe trên đường, hệ thống thoát nước, đèn tín hiệu, cọc tiêu, biển báo hiệu, dải phân cách và công trình, thiết bị phụ trợ khác”.

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

Cũng như đối với tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người thực hiện hành vi cản trở giao thông đường bộ là do vô ý (vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả, nhưng chủ yếu là vô ý vì quá tự tin.

Nếu chỉ căn cứ vào hành vi khách quan thì có thể có quan điểm cho rằng người thực hiện hành vi cản trở giao thông là do cố ý, vì không ai khi đào, xẻ trái phép công trình giao thông đường bộ lại bảo rằng do sơ ý. Tuy nhiên, căn cứ vào các dấu hiệu về hình thức lỗi, thì người thực hiện hành vi cản trở giao thông vẫn là do vô ý, vì người thực hiện hành vi cản trở giao thông không mong muốn cho hậu quả xẩy ra hoặc cũng không bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. 

Người phạm tội cản trở giao thông đường bộ có thể vì động cơ khác nhau nhưng không có mục đích vì lỗi của người phạm tội là do vô ý nên không thể có mục đích.