Các trường hợp cụ thể tội phạm hiếp dâm trẻ em

Hiếp dâm trẻ em

Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng hỗ trợ pháp lý miễn phí để bảo vệ trẻ em

1. Hiếp dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (khoản 1 Điều 112 BLHS 1999; điểm a khoản 1 Điều 142 BLHS 2015)

Trong trường hợp chỉ có một người hiếp một người mà nạn nhân đã đủ 13 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi và không có các tình tiết quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự 1999, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 112 Bộ luật hình sự 1999 có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm (7-15) năm tù (điểm a khoản 1 Điều 142 BLHS 2015). Việc xác định trường hợp phạm tội này chủ yếu là xác định tuổi của người bị hại.

2.  Hiếp dâm trẻ em có tính chất loạn luân (điểm a khoản 2 Điều 112 BLHS 1999; điểm a khoản 2 Điều 142 BLHS 2015)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm e khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự 1999 về tội hiếp dâm đã nghiên cứu ở trên (điểm e khoản 2 Điều 141 BLHS 2015), chỉ khác ở chỗ người bị hiếp trong trường hợp này là trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Vấn đề đặt ra là, vậy người bị hiếp dưới 13 tuổi, đồng thời lại có tính chất loạn luân thì có cần xác định phạm tội có tính chất loạn luân và áp dụng điểm a khoản 2 Điều 112 không, hay chỉ áp dụng khoản 4 Điều 112 BLHS 1999 (điểm b khoản 1 Điều 142  hay áp dụng điểm a khoản 2 Điều 142 BLHS 2015)?. Đặt vấn đề như vậy là xuất phát từ thực tiễn xét xử đã có không ít trường hợp Toà án chỉ căn cứ vào các tình tiết quy định ở khung hình phạt nặng hơn và bỏ qua các tình tiết quy định ở khung hình phạt nhẹ hơn vì cho rằng việc xác định các tình tiết quy định ở khung hình phạt nhẹ hơn không còn có ý nghĩa nữa. Ví dụ: Một người phạm tội hiếp dâm trẻ em dưới 13 tuổi và phạm tội có những tình tiết như: có tính chất loạn luân; phạm tội nhiều lần; gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên.v.v… nhưng Toà án chỉ xác định người phạm tội hiếp dâm trẻ em dưới 13 tuổi mà không đề cập đến các tình tiết khác vì cho rằng, người phạm tội đã bị áp dụng khoản 4 Điều 112 rồi, nên việc xác định các tình tiết khác không còn ý nghĩa nữa (khoản 2 và khoản 3 Điều 142 BLHS 2015 quy định trường hợp nạn nhân dưới 10 tuổi và các trường hợp tăng nặng khác). Theo chúng tôi, cách đặt vấn đề như vậy là không toàn diện, vì việc xác định đầy đủ các tình tiết của vụ án là một nguyên tắc và ngay cả trong trường hợp người phạm tội đã được xác định thuộc trường hợp phải áp dụng khung hình phạt nặng nhất thì cũng không vì thế mà bỏ qua các tình tiết được quy định ở khung hình phạt nhẹ hơn. Nếu chúng ta xác định đầy đủ các tình tiết thì việc quyết định một hình phạt cụ thể cho người phạm tội sẽ chính xác hơn. Tuy nhiên, nếu một người phạm tội có nhiều tình tiết, trong đó có tình tiết được quy định ở khung hình phạt nhẹ, có tình tiết được quy định ở khung hình phạt nặng thì Toà án chỉ áp dụng khung hình phạt nặng để quyết định hình phạt đối với người phạm tội. Ví dụ: Đào Văn T phạm tội hiếp dâm trẻ em, vừa có tình tiết quy định tại khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự 1999 vừa có tình tiết quy định tại khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự  thì Toà án chỉ áp dụng khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự 1999 để quyết định hình phạt đối với Đào Văn T (khoản 3 Điều 142 BLHS 2015 có khung hình phạt cao nhất là tử hình).

3.  Hiếp dâm trẻ em làm nạn nhân có thai  (điểm b khoản 2 Điều 112 BLHS 1999; điểm b khoản 2 Điều 142 BLHS 2015)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội làm nạn nhân có thai quy định tại điểm g khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự 1999 đối với tội hiếp dâm (điểm g khoản 2 Điều 141 BLHS 2015) chúng ta đã nghiên cứu ở trên, chỉ khác một điểm là nạn nhân có thai trong trường hợp này là trẻ em dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, khi xác định nạn nhân có thai trong trường hợp phạm tội này cần chú ý thời điểm có thai đối với nạn nhân bị hiếp dâm nhiều lần, trong đó có hai lần nạn nhân chưa đủ 16 tuổi, có lần nạn nhân đã đủ 16 tuổi và lần có thai lại là lần nạn nhân đã đủ 16 tuổi thì không thuộc trường hợp hiếp dâm trẻ em làm nạn nhân có thai mà thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần quy định tại điểm c khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự 1999 (điểm đ khoản 2 Điều 142 BLHS 2015).

4.  Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% (điểm c khoản 2 Điều 112 BLHS 1999; điểm c khoản 2 Điều 142 BLHS 2015)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm h khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự 1999 (điểm h khoản 2 Điều 141 BLHS 2015), chỉ khác nhau ở chỗ nạn nhân trong trường hợp phạm tội này là người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu nạn nhân dưới 13 tuổi thì đều thuộc trường hợp phạm tội quy định tại khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự 1999, và tình tiết gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân chỉ còn là tình tiết xem xét khi quyết định hình phạt chứ không phải tình tiết định khung hình phạt nữa. Tuy nhiên các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải xác định tình tiết này khi giải quyết vụ án (nếu nạn nhân dưới 10 tuổi thì áp dụng điểm c khoản 3 Điều 142; nếu nạn nhân bị thương tật từ 61% trở lên thì áp dụng điểm d khoản 3 Điều 142 BLHS 2015, đều có khung hình phạt cao nhất là tử hình).

5.  Hiếp dâm trẻ em mà nạn nhân là người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh (điểm d khoản 2 Điều 112 BLHS 1999; điểm d khoản 2 Điều 142 BLHS 2015)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm b khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự 1999 (điểm b khoản 2 Điều 141 BLHS 2015), chỉ khác nhau ở chỗ nạn nhân trong trường hợp này là người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu nạn nhân chưa đủ 13 tuổi thì thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự 1999 (BLHS 2015 thiết kế lại, theo đó điểm c khoản 3 Điều 142 BLHS 2015 áp dụng đối với nạn nhân dưới 10 tuổi; nếu nạn nhân từ đủ 10 đến đủ 13 tuổi thì chỉ là tình tiết khi quyết định hình phạt trong trường hợp phạt tội theo điểm d khoản 2 Điều 142 BLHS 2015) và tình tiết phạm tội này chỉ là tình tiết xem xét khi quyết định hình phạt chứ không còn là tình tiết định khung hình phạt nữa.

6. Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm (điểm đ khoản 2 Điều 112 BLHS 1999; điểm g khoản 2 Điều 142 BLHS 2015)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm i khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự 1999 (điểm i khoản 2 Điều 141 BLHS 2015) chúng ta đã nghiên cứu ở trên, các dấu hiệu để xác định trường hợp tái phạm nguy hiểm trong mọi trường hợp đều như nhau, vì đây là tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội.

Phạm tội hiếp dâm trẻ em thuộc một trong các tình tiết: Có tính chất loạn luân; làm nạn nhân có thai; gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; tái phạm nguy hiểm, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự 1999 có khung hình phạt từ mười hai năm đến hai mươi (12-20) năm tù (bằng mức hình phạt tại khoản 2 Điều 142 BLHS 2015). So với  khoản 2 Điều 112a Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, nên những hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì áp dụng khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau thì người phạm tội có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 Điều 112 BLHS 1999 phải bị xử phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 112 BLHS 1999 (khoản 2 Điều 142 BLHS 2015).

7.  Hiếp dâm trẻ em có tổ chức (điểm a khoản 3 Điều 112 BLHS 1999; điểm a khoản 3 Điều 142 BLHS 2015)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự trường hợp phạm tội hiếp dâm có tổ chức quy định tại điểm a khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự 1999 (điểm a khoản 2 Điều 141 BLHS 2015) chúng ta đã nghiên cứu ở trên, chỉ có khác ở chỗ trường hợp phạm tội này nạn nhân là trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và khung hình phạt không phải là khoản 2 của điều luật mà là khoản 3. Như vậy cũng là hiếp dâm có tổ chức, nhưng nạn nhân càng ít tuổi thì hình phạt đối với người phạm tội lại càng cao. Nếu nạn nhân dưới 13 tuổi thì cũng như các trường hợp phạm tội trên, người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự, còn tình tiết có tổ chức chỉ có ý nghĩa xem xét khi quyết định hình phạt 1999 (BLHS 2015 phạt nặng hơn khi nạn nhân dưới 10 tuổi theo khoản 3; các tình tiết khác thì áp dụng khoản 2 Điều 142 đối với nạn nhân từ đủ 10 đến 13 tuổi). Nếu phạm tội hiếp dâm trẻ em có tổ chức mà nạn nhân lại chưa đủ 13 tuổi thì hình phạt đối với người phạm tội sẽ phải nặng hơn trường hợp nạn nhân đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (áp dụng điểm a khoản 3 Điều 142 BLHS 2015).

8. Nhiều người hiếp một người mà nạn nhân là trẻ em (điểm b khoản 3 Điều 112 BLHS 1999; điểm b khoản 3 Điều 142 BLHS 2015)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội nhiều người hiếp một người quy định tại điểm c khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự 1999 (điểm c khoản 2 Điều 141 BLHS 2015), chỉ có khác ở chỗ trường hợp phạm tội này nạn nhân là trẻ em từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi và khung hình phạt không phải là khoản 2 của điều luật mà là khoản 3. Nếu nạn nhân dưới 13 tuổi thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự 1999 và bị xử phạt rất nghiêm khắc (BLHS 2015 thiết kế lại điều luật, nếu nạn nhân dưới 10 tuổi thì chung mức hình phạt quy định tại khoản 3 Điều 142 BLHS; nếu nạn nhân từ đủ 10 – 13 tuổi thì chỉ là tình tiết khi quyết định hình phạt).

9. Nhiều lần hiếp dâm trẻ em (điểm c khoản 3 Điều 112 BLHS 1999; điểm đ khoản 2 Điều 142 BLHS 2015)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội nhiều lần quy định tại điểm d khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự 1999 (điểm d khoản 2 Điều 141 BLHS 2015, khung hình phạt đến 20 năm tù), chỉ khác ở chỗ trường hợp phạm tội này nạn nhân bị hiếp là trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và khung hình phạt không phải là khoản 2 của điều luật mà là khoản 3. Nếu nạn nhân dưới 13 tuổi thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự 1999 và ngươì phạm tội sẽ bị xử phạt rất nghiêm khắc (BLHS 2015 thiết kế lại, nạn nhân dưới 10 tuổi thì phạt theo điểm c khoản 3 Điều 142; nếu nạn nhân từ đủ 10 đến 13 tuổi thì áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 142 BLHS 2015, tuổi chỉ là tình tiết xem xét khi quyết định mức phạt).

Khi xác định tình tiết nhiều lần hiếp dâm trẻ em cần chú ý một điểm là: Phải có từ hai lần hiếp dâm trở lên mà các lần đó nạn nhân đều dưới 16 tuổi, nếu chỉ có một lần nạn nhân bị hiếp là dưới 16 tuổi còn các lần khác nạn nhân đã đủ 16 tuổi thì không thuộc trường hợp phạm tội hiếp dâm trẻ em nhiều lần. Tuy nhiên, trường hợp nhiều lần hiếp dâm một người, nhưng chỉ có một lần nạn nhân dưới 16 tuổi còn các lần khác nạn nhân đã đủ 16 tuổi, vậy trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội được xác định như thế nào?  Vấn đề này cho đến nay cả về lý luận cũng như thực tiễn xét xử đang tồn tại các ý kiến khác nhau:

– Quan điểm thứ nhất cho rằng, nếu phạm tội hiếp dâm nhiều lần trong đó có một lần nạn nhân chưa đủ 16 tuổi còn các lần khác nạn nhân đã đủ 16 tuổi thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em không có tình tiết phạm tội nhiều lần (khoản 1 Điều 142 BLHS 2019).

– Quan điểm thứ hai cho rằng, chỉ cần truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội về tội hiếp dâm có tình tiết phạm tội nhiều lần theo điểm d khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự 1999 (điểm đ khoản 2 Điều 142 BLHS 2015).

– Quan điểm thứ ba cho rằng cần truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội về hai tội: Tội hiếp dâm theo Điều 111 và tội hiếp dâm trẻ em theo Điều 112 Bộ luật hình sự 1999 (Điều 141 và Điều 142 BLHS 2015) vì người phạm tội có hai hành vi phạm tội vào hai thời điểm khác nhau, tuy cùng xâm phạm đến một người bị hại .

Có thể còn ý kiến khác, nhưng theo chúng tôi chỉ nên truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi hiếp dâm về một tội còn cụ thể tội nào thì cần phân biệt một số trường hợp sau:

– Nếu người phạm tội hiếp dâm nhiều lần, trong đó chỉ có một lần nạn nhân chưa đủ 16 tuổi, còn các lần khác nạn nhân đã đủ 16 tuổi thì cần truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội theo điểm d khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự với tình tiết “phạm tội nhiều lần” (điểm đ khoản 2 Điều 142 BLHS 2015).

– Nếu người phạm tội hiếp dâm nhiều lần, trong đó có từ hai lần trở lên nạn nhân chưa đủ 16 thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hiếp dâm trẻ em” theo điểm c khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự vì có tình tiết “Phạm tội nhiều lần” (điểm c khoản 3 Điều 142 BLHS áp dụng đối với nạn nhân dưới 10 tuổi).

10. Hiếp dâm nhiều trẻ em (điểm d khoản 3 Điều 112 BLHS 1999; điểm e khoản 2 Điều 142 BLHS 2015)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự 1999 (điểm đ khoản 2 Điều 141 BLHS 2015, hình phạt đến 20 năm tù), chỉ có khác là nạn nhân trong trường hợp này là trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và khung hình phạt không phải là khoản 2 của điều luật mà là khoản 3. Nếu nạn nhân chưa đủ 13 thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự 1999 (BLHS 2015: nạn nhân dưới 13 tuổi là tình tiết để xem xét hình phạt tại khoản 2; nếu nạn nhân dưới 10 tuổi thì áp dụng khoản 3 Điều 142).

11. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên (điểm đ khoản 3 Điều 112 BLHS 1999; điểm d khoản 3 Điều 142 bLHS 2015)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm a khoản 3 Điều 111 Bộ luật hình sự 1999 (điểm a khoản 3 Điều 141 BLHS 2015), chỉ có khác là nạn nhân trong trường hợp này là trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu nạn nhân chưa đủ 13 thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự 1999 (khoản 3 Điều 142 BLHS 2015 có mức phạt cao nhất là tử hình, nên nạn nhân dưới 13 tuổi là tình tiết khi xem xét quyết định hình phạt).

12. Người phạm tội biết mình nhiễm HIV mà vẫn phạm tội (điểm e khoản 3 Điều 112 BLHS 1999; điểm đ khoản 3 Điều 142 BLHS 2015)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm b khoản 3 Điều 111 Bộ luật hình sự 1999 (điểm b khoản 3 Điều 141 BLHS 2015), chỉ có khác là nạn nhân trong trường hợp này là trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu nạn nhân chưa đủ 13 thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự 1999 (khoản 3 Điều 142 BLHS 2015 có mức phạt cao nhất là tử hình, nên nạn nhân dưới 13 tuổi là tình tiết khi xem xét quyết định hình phạt).

13.  Hiếp dâm trẻ em làm nạn nhân chết hoặc tự sát (điểm g khoản 3 Điều 112 BLHS 1999; điểm e khoản 3 Điều 142 BLHS 2015)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm c khoản 3 Điều 111 Bộ luật hình sự 1999 (điểm c khoản 3 Điều 141 BLHS 2015), chỉ có khác là nạn nhân trong trường hợp này là trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu nạn nhân chưa đủ 13 tuổi thì thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự (khoản 3 Điều 142 BLHS 2015 có mức hình phạt cao nhất là tử hình, nên nạn nhân dưới 13 tuổi chỉ là tình tiết để xem xét khi quyết định hình phạt).

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Hiếp dâm có tổ chức; nhiều người hiếp một người; phạm tội nhiều lần; đối với nhiều người; gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên; biết mình nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; làm nạn nhân chết hoặc tự sát thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự và bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. So với khoản 3 Điều 112a Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, nên những hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì áp dụng khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

14.  Hiếp dâm trẻ em dưới 13 tuổi (khoản 4 Điều 112)

BLHS 2015 thiết kế lại, khoản 4 Điều 142 là hình phạt bổ sung. Khoản 1 Điều 142 chia ra 2 trường hợp gồm: trường hợp dùng vũ lực đối với nạn nhân từ đủ 13 – 16 tuổi, và trường hợp giao cấu với nạn nhân dưới 13 tuổi. Khoản 2 và khoản 3 áp dụng chung cho nạn nhân dưới 16 tuổi, không phân biệt nạn nhân dưới 13 tuổi; riêng khoản 3 có thêm trường hợp nạn nhân dưới 10 tuổi, và mức hình phạt cao nhất của khoản 3 là tử hình nên tuổi nạn nhân dưới 13 tuổi không có ý nghĩa định khung mà chỉ là tình tiết để quyết định mức hình phạt.

Trường hợp hiếp dâm trẻ em dưới 13 tuổi được luật pháp quy định như là một trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, không cần hội tụ đủ các yếu tố cấu thành tội hiếp dâm thông thường, người có hành vi giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi vẫn bị coi là phạm tội hiếp dâm. Vì vậy, khi Bộ luật hình sự năm 1985 chưa được sửa đổi, bổ sung cũng đã quy định “mọi trường hợp giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm”, tức là không cần dấu hiệu “trái với ý muốn của nạn nhân” như các trường hợp hiếp dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi trở lên. Tinh thần này được quán triệt và khẳng định lại một lần nữa tại khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với tội hiếp dâm trẻ em “Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm”. Tuy nhiên, về khung hình phạt không còn nghiêm khắc hơn trước mà quy định người phạm tội bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi (12-20) năm, tù chung thân hoặc tử hình. Việc quy định này là phù hợp với thực tiẽn xét xử, vì có trường hợp tuy xét về hành vi thì dã cấu thành tội hiếp dâm, nhưng về hậu quả cũng như các mặt tác hại khác lại không đáng kể, nếu phạt người phạm tội mức hình phạt hai mươi năm (mức thấp nhất của khung hình phạt theo khoản 4 Điều 112a Bộ luật hình sự năm 1985) thì không tương xứng với tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Thấy rõ được sự bất hợp lý này, nên Bộ luật hình sự năm 1999 đã quy định khung hình phạt dài hơn, có mức thấp nhất là mười hai năm. So với khoản 4 Điều 112a Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, nên những hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì áp dụng khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

Việc xác định trường hợp phạm tội này chủ yếu là xác định tuổi của nạn nhân và việc xác định tuổi của nạn nhân như trên chúng ta đã nghiên cứu đang là vấn đề cần phải giải thích hoặc hướng dẫn một cách thống nhất.

Khi áp dụng khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự 1999 cũng cần phải chú ý một số điểm sau:

– So với khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự 1999 thì khoản 4 Điều 112 có khung hình bằng nhau. Nếu chỉ căn cứ vào khung hình phạt dễ cho rằng hành vi hiếp dâm trẻ em dưới 13 tuổi cũng như hành vi hiếp dâm trẻ em trên 13 tuổi, sẽ dẫn đến sự nhận thức không đúng khi áp dụng khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự. Do đó nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự mà không có các tình tiết quy định tại khoản 2, khoản 3 của Điều 112 Bộ luật hình sự thì người phạm tội có thể chỉ bị phạt từ mười hai năm đến hai mươi năm tù, nhưng nếu có tình tiết quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự thì có thể bị phạt tù chung thân hoặc tử hình. Vì thế khi đã xác định người phạm tội hiếp dâm trẻ em thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự thì đồng thời phải xác định người phạm tội có các tình tiết quy định tại khoản 2 và khoản 3 của Điều 112 không? trên cơ sở đó mà quyết định hình phạt đối với người phạm tội. Nếu người phạm tội hiếp dâm trẻ em dưới 13 tuổi lại có các tình tiết quy định tại khoản 2, khoản 3 của Điều 112 Bộ luật hình sự thì chắc chắn mức hình phạt không thể như trường hợp phạm tội không có tình tiết quy định tại khoản 2, khoản 3.

Người phạm tội hiếp dâm trẻ em còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm ( khoản 5 Điều 112)