Giải quyết tranh chấp đất đai trong tố tụng hành chính

Vụ án hành chính về đất đai

Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án hành chính về đất đai

Về giải quyết tranh chấp đất đai trong tố tụng hành chính, cần quan tâm các vấn đề như sau:

Thứ nhất, quyền khởi kiện vụ án hành chính về đất đai (Điều 115 Luật tố tụng hành chính năm 2015).

Cá nhân, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi đó.

Theo khoản 1 Điều 3 Luật tố tụng hành chính năm 2015, quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.

Theo khoản 2 Điều 3 Luật tố tụng hành chính năm 2015, quyết định hành chính bị kiện là quyết định quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật tố tụng hành chính năm 2015 đã phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo khoản 3 Điều 3 Luật tố tụng hành chính năm 2015, hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

Theo khoản 4 Điều 3 Luật tố tụng hành chính năm 2015, Hành vi hành chính bị kiện là hành vi quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật tố tụng hành chính năm 2015 làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Như vậy, trong vụ án hành chính về đất đai, quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện phải là quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến các quy định của Luật đất đai năm 2013. Cụ thể bao gồm:

+ Việc lập, điều chỉnh, công bố, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

+ Việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

+ Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

+ Việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

+ Việc thu, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế liên quan đến đất đai; định giá đất.

+ Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính: Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính và đất đai là 01 (một) năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai.

Trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện được quy định như sau:

+ Một năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.

+ Một năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.

Thứ hai, nội dung đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ kèm theo Điều 118 Luật tố tụng hành chính năm 2015.

Thứ ba, người khởi kiện gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng một trong các phương thức sau đây: Nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính.

Thứ tư, đương sự trong vụ án hành chính về đất đai bao gồm: Người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính có thể đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại gây ra nhưng phải cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tòa án sẽ căn cứ quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và các quy định của pháp luật hiện hành về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp chưa có đủ điều kiện chứng minh thiệt hại thì Tòa án có thể tách yêu cầu bồi thường thiệt hại để giải quyết sau bằng một vụ án dân sự khác.

Thứ năm, việc thi hành bản án hành chính về đất đai đã có hiệu lực pháp luật như sau (Điều 311, Điều 312 Luật tố tụng hành chính năm 2015):

+ Người phải thi hành án phải thi hành bản án trong thời hạn tự nguyện 30 ngày kể từ ngày nhận bản án của Tòa án.

+ Quá thời hạn tự nguyện thi hành án nếu người phải thi hành án không thi hành thì người được thi hành án có quyền gửi đơn đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành bản án. Cụ thể như sau:

Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hạn 30 ngày tự nguyện thi hành án kể từ ngày nhận được bản án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án thì người được thi hành án có quyền gửi đơn kèm theo bản sao bản án, quyết định của Tòa án, tài liệu khác có liên quan đề nghị Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án.

Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hạn yêu cầu thi hành án.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu của người được thi hành án, Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định buộc thi hành án hành chính. Quyết định buộc thi hành án phải được gửi cho người phải thi hành án, người được thi hành án, thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án và Viện kiểm sát cùng cấp. Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm của người phải thi hành án theo quy định của pháp luật. Quyết định buộc thi hành án cũng phải gửi cho cơ quan thi hành án dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm để theo dõi việc thi hành án hành chính theo quyết định của Tòa án.