Một số hạn chế, thiếu sót còn tồn tại trong việc bảo vệ bị hại là người chưa thành niên

Trẻ em bị hiếp dâm

Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em

Thứ nhất, Hạn chế, vướng mắc trong việc bảo đảm quyền được giữ bí mật thông tin cá nhân của bị hại là trẻ em.

Việc bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của bị hại là trẻ em trong  các vụ án hình sự đã được quy định dưới dạng nguyên tắc tố tụng đối với người dưới 18  tuổi và một số văn bản hướng dẫn thi hành nhưng nhận thấy trên thực tế thời gian qua những thông tin liên quan đến bị hại là trẻ em trong các vụ án bị bạo hành,   xâm hại tình dục vẫn bị công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngay cả trong các vụ án bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục nhưng những thông tin  cá nhân, hình ảnh hoặc các đoạn video, clip về nội dung bị hại dưới 18 tuổi bị xâm hại vẫn được đăng tải công khai.

Mặc dù văn bản dưới luật quy định Tòa án phải xét xử kín  đối với bị hại dưới 18 tuổi bị bạo hành, bị xâm hại tình dục nhưng quy định này sẽ không có nhiều ý nghĩa trong việc bảo vệ bí mật cá nhân của bị hại dưới 18 tuổi bởi vì những thông tin, hình ảnh cá nhân của bị hại đã bị công khai ở các giai đoạn tố tụng trước đó.

Thứ hai, Hạn chế, vướng mắc trong việc bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý cũng như các hỗ  trợ thích hợp khác đối với bị hại là trẻ em trong các vụ án về tội phạm sử dụng bạo lực.

Bộ luật TTHS năm 2015 hiện chưa có quy định cụ thể về thời điểm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại chính thức được phép tham gia tố tụng.

Tuy nhiên, khoản  3 Điều 9 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC quy định “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại là người dưới 18 tuổi có quyền tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can”.

Trong khi khoản 1 Điều 7 Thông tư 46/TT-BCA quy định “Thời điểm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại tham gia tố tụng kể từ khi có quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và có căn cứ xác định tư cách tham gia tố tụng của bị hại”.

Với quy định chưa thống nhất làm cho cơ quan có thẩm quyền lúng túng trong việc cho phép người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bị hại được tham gia tố tụng.

Ngoài ra, tiêu chuẩn đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý; người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại là trẻ em cũng là vấn đề cần xem xét.

Hiện nay, pháp  luật chỉ quy định tiêu chuẩn đối với người tiến hành tố tụng trong những vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi mà chưa có quy định tiêu chuẩn đối với người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị hại.

Thiết nghĩ điều này là một thiếu sót, vì xét cho cùng, trong quá trình tố tụng, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị hại là người hỗ trợ rất nhiều cho bị hại.

Việc nắm bắt được tâm lý của bị hại, hiểu về lứa tuổi này giúp họ nhanh chóng tiếp cận, tạo được sự tin tưởng, thiết lập được mối quan hệ, từ  đó sẽ giúp bị hại được nhiều hơn

Thứ ba, Hạn chế, vướng mắc trong việc bảo đảm quyền được giải quyết nhanh chóng kịp thời các vụ án.

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 chưa có quy định thời hạn tố tụng riêng dành cho bị hại là trẻ em trong các vụ án bị bạo hành, bị xâm hại tình dục.

Thứ tư, Hạn chế, vướng mắc trong việc bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn của các chủ thể tiến hành tố tụng.

Để bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại là trẻ em trong các vụ án liên quan đến bạo hành đòi hỏi Việt Nam cần xây dựng các cơ quan có  thẩm quyền tiến hành tố tụng và đội ngũ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mang tính chuyên trách.

Hiện nay, Việt Nam mới thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên. hiện nay đã có 34 tỉnh, thành phố đã thành lập tòa gia đình và người chưa thành niên.

Mặc dù vậy, ở các cơ quan điều tra và viện kiểm sát vẫn chưa có đơn vị hoặc cán bộ chuyên trách để xử lý các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi.

Thứ 5, Hạn chế, vướng mắc về vấn đề lấy lời khai bị hại là trẻ em.

Về thành phần tham  dự buổi lấy lời khai, pháp luật tố tụng hình sự quy định: “Việc lấy lời khai của bị hại là người dưới 18 tuổi (trong đó có trẻ em) phải có người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ tham dự”.

Thứ 6, Hạn chế, vướng mắc về vấn đề tiến hành trưng cầu giám định đối với bị hại là trẻ em trong các vụ án về tội phạm sử dụng bạo lực.

Hiện nay, tại chương XXVIII Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định thủ tục giải quyết vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 không có quy định riêng về giám định.

Điều đó có nghĩa rằng, thủ tục cũng như các quy định khác về giám định giành cho bị hại là trẻ em hoặc người dưới 18 tuổi đều được áp dụng tương tự như đối với người đã đủ 18 tuổi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *