Chứng cứ trong vụ án ma túy

Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy

Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng thu thập các tài liệu, chứng cứ không phạm tội, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo trong vụ án ma túy

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự luật định, có liên quan đến vụ án, được cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật (Điều 86 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).

Gần như các vụ án hình sự khi xảy ra bao giờ cũng để lại dấu vết, những dấu vết đó được thể hiện dưới các hình thức khác nhau, đặc biệt trong đó dấu vết do tội phạm để lại có ý nghĩa quan trọng nhằm xác định có hay không có hành vi phạm tội. Các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào những dấu vết thu thập được để khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Những dấu vết đó được gọi là chứng cứ. Chứng cứ trong tố tụng hình sự được xác định bằng: Vật chứng; lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị tạm giữ, người bị bắt, bị can, bị cáo; kết luận giám định; biên bản về hoạt động điều tra và các tài liệu, đồ vật khác.

Trong các vụ án ma túy, chứng cứ phải thỏa mãn 3 thuộc tính sau đây:

–              Tính khách quan: Là những gì có thật và phản ánh trung thực những tình tiết của vụ án.

–              Tính liên quan: Có mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với vụ án. Tuy nhiên, cho dù là trực tiếp hay gián tiếp thì đều phải là mối quan hệ nội tại, có tính nhân quả, tức là chứng cứ phải là kết quả của một loại hành vi, hành động hoặc một quan hệ nhất định, ngược lại, hành vi, hành động hoặc quan hệ đó là nguyên nhân dẫn đến việc hình thành chứng cứ.

–              Tính hợp pháp: Tất cả những gì có thật phải được cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Điều tra viên, Kiểm sát viên thu thập và bảo quản theo đúng trình tự do Bộ luật tố tụng hình sự quy định. Như vậy, chỉ những tài liệu, dấu vết, vật chứng được thu thập một cách hợp pháp theo đúng trình tự mà pháp luật quy định mới được sử dụng như một chứng cứ để buộc tội hoặc gỡ tội cho bị can, bị cáo. Theo đó, dấu vết do những người không phải là Điều tra viên, Kiểm sát viên được phân công điều tra, kiểm sát vụ án hoặc do Điều tra viên, Kiểm sát viên được phân công điều tra, kiểm soát vụ án nhưng được thu thập không tuân theo trình tự quy định của pháp luật thì không được coi là chứng cứ và không được sử dụng để buộc tội bị can, bị cáo. Trên thực tế, việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ hợp pháp hay không hợp pháp được thông qua quá trình thẩm vấn công khai tại phiên tòa.